Startup Việt và hành trình gọi vốn khủng
Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng sau đại dịch.
Tiềm năng cũng như khả năng thành công của các startup Việt đang thu hút nhiều nhà đầu tư |
Ông Trần Vũ Quang - Giám đốc điều hành OnPoint chia sẻ, công ty thành lập vào năm 2017, chuyên cung cấp các giải pháp toàn diện cho phép các nhãn hàng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trực tuyến trên nhiều kênh gồm các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc các trang web riêng của nhãn hàng. Sau khi gọi vốn thành công ở vòng series A vào năm 2020, công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ để tích hợp và điều phối mạng lưới các đối tác dịch vụ, sử dụng dữ liệu và quy trình tự động để tối ưu vận hành. Đó là giải pháp Galaxy giúp quản lý chiến dịch tiếp thị số thông qua việc tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning).
Hiện, OnPoint đang cung cấp cho hơn 150 nhãn hàng trong các ngành về làm đẹp - chăm sóc sức khỏe, thời trang, đồ mẹ và bé, điện tử - gia dụng, dược phẩm, sản phẩm số, hàng tiêu dùng nhanh, thức ăn cho thú cưng… Một số thương hiệu nổi bật phải kể đến L’Oreal, Shiseido, Unicharm, P&G, Unilever, LG, Panasonic, Mondelez…
Ở một thị trường mà thương mại điện tử phát triển nhanh bậc nhất thế giới là Việt Nam, OnPoint được kỳ vọng trở thành một nền tảng có thể tạo nên giá trị cho tất cả các bên tham gia nền kinh tế số từ các nhãn hàng, nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng. Với nguồn vốn mới 50 triệu USD lần này, OnPoint dự định sử dụng để mở rộng xây dựng hệ sinh thái về các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh việc tuyển dụng và phát triển nhân tài cũng như năng lực hệ thống, đầu tư vào công nghệ lấy dữ liệu làm trung tâm.
Trên thực tế, làn sóng rót vốn đầu tư cho các startup Việt trong những năm gần đây đã tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư. Ngành trò chơi trực tuyến liên quan đến game blockchain cũng đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures cho biết, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục. Trong năm 2021, tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020. Hiện nay Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có những bước hồi phục ấn tượng nhờ vào sự bền bỉ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Với những lợi thế đó, trong thời gian tới hệ sinh thái này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Dự báo, vốn đầu tư vào startup Việt năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD.
Là một trong những startup fintech đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, Startup Finhay vừa gọi vốn thành công 25 triệu USD tại vòng gọi vốn series B.
Ông Nghiêm Xuân Huy - CEO đồng thời là sáng lập viên của Finhay cho biết, đây là ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng. Sau 5 năm hoạt động, hiện Finhay đã mở rộng phạm vi dịch vụ và cung cấp cho người dùng các giải pháp tài chính toàn diện, bao gồm chứng chỉ quỹ, giao dịch vàng, tích lũy, giao dịch cổ phiếu, và hiện đã trở thành ứng dụng đầu tư tài chính cá nhân phổ biến nhất Việt Nam. Mới đây, Finhay đã trở thành chủ quản của một công ty sở hữu giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán sau khi hoàn thành thương vụ mua lại Công ty Chứng khoán Vina (VNSC). 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của Finhay khi đạt được số người dùng tăng trưởng nhanh chóng. Việc hoàn tất mua lại VNSC sẽ là bước đi giúp Finhay mở rộng phạm vi dịch vụ và khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tài chính cá nhân. Công ty dự định sẽ dành ngân sách 25 triệu USD cho việc tăng quy mô doanh nghiệp, mở rộng các mảng kinh doanh và tuyển dụng những nhân sự hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Trải nghiệm người dùng cũng sẽ được nâng cao khi công ty nghiên cứu triển khai và ứng dụng các công nghệ tài chính tiên tiến nhất.
Có thể thấy, tiềm năng cũng như khả năng thành công của các startup Việt đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Theo bà Jessica Huang Pouleur, đại diện của Openspace Ventures, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, dân số trẻ, với lối sống dám nghĩ dám làm, nhạy bén với các cơ hội đầu tư. Dự báo dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Openspace là tổ chức đầu tư mạo hiểm chuyên hỗ trợ các công ty fintech tại Đông Nam Á, tạo nên các giá trị thay đổi cuộc sống thông qua công nghệ. Đồng thời cũng là một tổ chức đầu tư đa giai đoạn, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư tổ chức trong khu vực và trên toàn cầu, hiện đang quản lý 5 quỹ với hơn 650 triệu USD, bao gồm cả một phương tiện tiền điện tử. Openspace mong muốn được hợp tác và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách, cơ chế để thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để giúp các startup thuận lợi hơn trong việc gọi vốn cũng như tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhất thiết phải hoàn thiện về hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, thời gian tới NIC sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Đồng thời tạo những cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.