Sửa đổi Thông tư 39: Bổ sung pháp lý đối với cho vay bằng phương tiện điện tử
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA phát biểu tại tọa đàm |
Ngày 19/7/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN (TT 39) quy định về hoạt động cho vay của TCTD, CNNHNNg đối với khách hàng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, qua 6 năm triển khai, TT 39 đã tạo thuận lợi cho các TCTD trong hoạt động cho vay, song đến nay đã có nhiều đổi mới mới trong phương thức cho vay, nên nhiều quy định tại thông tư không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc sửa đổi TT 39 theo TS. Hùng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi cho các TCTD, CNNHNNg trong quá trình hoạt động.
Về cơ bản, VNBA thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo TT 39. Các quy định tại dự thảo TT 39 sửa đổi đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, lúng túng của các TCTD trong thực tiễn triển khai thời gian qua như sửa đổi, bổ sung quy định về việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống; Bổ sung quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn cho phù hợp quy định tại Chương VI Bộ Luật Dân sự sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng trong thời gian tới…
Tuy nhiên, để TT 39 phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD, qua rà soát và trên cơ sở phản ánh của các TCTD hội viên, đại diện VNBA cho rằng, cần phải chỉnh sửa bổ sung thêm một số quy định khác.
Theo đại diện của VNBA, tại nội dung tại Điều 24a về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đang quy định rất chung chung. Cho vay qua phương tiện điện tử, đặc biệt là cho vay được thực hiện theo phương thức tự động hóa có đặc thù riêng: về quy trình thực hiện, hồ sơ thủ tục, thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra giám sát sau giải ngân… Nếu như với cho vay qua phương tiện điện tử vẫn phải đáp ứng các quy định tại TT 39 như với khoản vay tại quầy thì không phù hợp.
Vì vậy, cần có quy định thành chương riêng tại dự thảo hoặc có văn bản hướng dẫn riêng đối với cho vay qua phương tiện điện tử được thực hiện tự động hóa hoàn toàn nhằm phù hợp với đặc điểm đặc thù của kênh cho vay này để các TCTD có cơ sở và căn cứ xây dựng quy định, hướng dẫn thực hiện tại TCTD.
Chia sẻ cụ thể hơn khó khăn mà TCTD gặp phải với phương thức trên, đại diện VNBA cho hay, hiện nay các TCTD đang thực hiện cơ chế thẩm định, phê duyệt cho vay thực hiện tự động hoàn toàn theo các điều kiện đã được cài đặt sẵn, theo đó, các quy định hiện hành về thẩm định, phê duyệt không còn phù hợp, ví dụ Quy định về tách bạch giữa khâu thẩm định và phê duyệt cho vay tại Điều 17; Quy định về việc quyết định cho vay phải có chữ ký của người có thẩm quyền tại Khoản 1, Điều 29...;
Khi cho vay bằng phương tiện điện tử thì sẽ không còn yêu cầu chữ ký của người có thẩm quyền, do các công đoạn đã thực hiện theo hệ thống điện tử, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về việc cho phép sử dụng chữ ký điện tử dưới dạng OTT/OTP đối với KH trên hợp đồng online; Chấp thuận sử dụng user AD/chữ ký điện số nội bộ đối với tài liệu nội bộ thay cho việc ký tươi; Lưu trữ trên hệ thống và chỉ in ra đóng dấu đơn vị quản lý để cung cấp cho đơn vị thanh tra/kiểm tra khi cần thiết;
Đánh giá bổ sung đối tượng tham gia vào quá trình vay vốn ngân hàng là hộ kinh doanh, tổ hợp tác rất hợp lý nhưng đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho rằng, tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 1 dự thảo TT sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 quy định thì TCTD cho vay đối với các đối tượng khách hàng hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân phải thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Trong khi điểm d Khoản 1, Điều 1 dự thảo TT bổ sung Khoản 12 Điều 2 quy định: “Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân) khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn...”.
Như vậy, quy định về chủ thể vay vốn tại Khoản 4,5 trên đang mâu thuẫn, chưa có sự thống nhất với Khoản 12 và chưa phù hợp với quy định tại Điều 101 Bộ luật dân sự (việc cho vay đối với hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thực hiện thông qua các thành viên hộ gia đình hoặc người được ủy quyền).
Để thống nhất quy định về chủ thể vay vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Bộ Luật và Khoản 12 Điều 2 dự thảo, đề nghị xem xét bỏ quy định tại cuối Khoản 4,5 là cho vay đối với các đối tượng khách hàng hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân phải thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Ngoài ra, đại diện VietinBank này cũng đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc xác định thành viên hộ gia đình trong quan hệ vay vốn để TCTD thuận tiện trong qúa trình thực hiện thực tế. Hoàn toàn nhất trí việc TT 39 đưa ra những trường hợp pháp luật không cấm thì cũng cho TCTD thực hiện, tuy nhiên, tại Khoản 8 Dự thảo đang quy định các TCTD không được cho vay để góp vốn hợp tác đầu tư, kinh doanh cho dù vốn góp đó có hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp hay không.
Tuy nhiên tại điều khoản bổ sung điểm h Khoản 2 Điều 22 lại quy định các TCTD phải xây dựng, ban hành quy định nội bộ về cho vay trong đó có quy định về “Kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; … cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo đánh giá của tổ chức tín dụng.”
Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh nêu tại 2 điều khoản trên khác nhau như thế nào? Thực tế, đây là hoạt động không cấm của các đối tượng trong nền kinh tế, do vậy, có thể tạo điều kiện để TCTD cho vay. Trong quá trình thực hiện TCTD rất thận trọng với các đối tượng này.
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác các Hội viên VNBA đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Đơn cử, về cung cấp báo cáo tài chính, đại diện VNBA đề nghị bổ sung quy định cho phép đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc cung cấp hồ sơ báo cáo tài chính thực hiện theo hướng dẫn của TCTD.
Các doanh nghiệp nhỏ khi vay vốn hiện nay đang gặp khó khăn trong việc cung cấp báo cáo tài chính, vì Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 312/QĐ-NHNN v/v đính chính Thông tư 39 có quy định về việc lưu trữ hồ sơ cho vay “1. Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm: … c) Báo cáo thực trạng tài chính do khách hàng gửi tổ chức tín dụng trong thời gian vay vốn: Báo cáo tài chính nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và/hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán đối với trường hợp khách hàng phải lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tình hình tài chính của khách hàng theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng”.
Trong khi đó hệ thống sổ sách báo cáo của các doanh nghiệp nhỏ hiện nay thường đơn giản, chưa đầy đủ và chuyên nghiệp do quy mô và tính chất hoạt động, nên không thể đảm bảo luôn đáp ứng được yêu cầu này.
Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn về nội dung TCTD cần phải thu thập đồng thời 3 báo cáo gồm báo cáo tài chính nộp cho cơ quan nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán với trường hợp KH phải lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, và báo cáo tình hình tài chính của KH theo hướng dẫn của các TCTD hay chỉ cần phải cung cấp 1 trong 3 báo cáo tài chính như trên.
Là đơn vị tham mưu soạn thảo Dự thảo sửa đổi TT 39, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Bùi Thúy Hằng chia sẻ, quan điểm xuyên suốt trong sửa đổi TT 39 của NHNN là ban hành khung pháp lý chung về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trong các nội dung sửa đổi của TT 39 đảm bảo nguyên tắc cơ bản nhất.
Trên cơ sở nguyên tắc chung, từng TCTD tự đưa ra hướng dẫn quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay để làm sao đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động, khẩu vị rủi ro của từng TCTD cũng như đặc thù nhóm khách hàng.
“Với việc sửa đổi TT 39, điều mà chúng tôi mong muốn nhất làm sao hoàn thiện đưa ra khung pháp lý chung cho việc thực hiện các hoạt động cho vay, nhất là cho vay bằng phương tiện điện tử. Để từ đó các TCTD chủ động xây dựng triển khai thực hiện tránh những rủi ro về mặt pháp lý sau này”, bà Hằng bày tỏ.
Nhấn mạnh TT 39 là một văn bản xương sống có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các TCTD và đến thời điểm cần sửa đổi, nhưng TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều lấn cấn như Luật Giao dịch điện tử chưa sửa đổi, Nghị định về thí điểm Sanlbox chưa được ban hành... cũng cần cân nhắc, không nhất thiết phải gấp gáp sửa đổi ngay mà tiếp tục rà soát, phối hợp các đơn vị có liên quan đảm bảo văn bản mới đưa ra phù hợp với quá trình triển khai lâu dài chứ không chỉ phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Trong quá trình sửa đổi bổ sung soạn thảo Dự thảo, VNBA tiếp tục đồng hành với các hội viên, phối hợp chặt chẽ với tổ soạn thảo để văn bản mới hoàn thiện hơn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng cho vay bằng phương thức điện tử các TCTD rất quan tâm”, ông Hùng khẳng định.