Sửa luật sớm để tăng hiệu quả chính sách
Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân Vì sao chưa sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân? |
Theo Kết luận số 83-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, từ 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ công chức sẽ tăng 30% từ mức 1,8 triệu đồng lên mức 2,34 triệu đồng; mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng thêm 15% so với mức hiện tại.
Song song đó, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ cũng sẽ dự kiến tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với các quy định hiện hành (tương ứng tăng khoảng 200-280 nghìn đồng/người/tháng).
Theo đánh giá của hầu hết chuyên gia, đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động mang lại niềm vui cho hàng chục triệu công chức, viên chức, đồng thời tạo ra động lực nâng cao năng suất. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo giá cả tăng theo lương, nhiều người còn lo ngại việc tăng lương sẽ khiến mức thuế TNCN phải nộp thăng theo, khiến cho thu nhập thực tế chẳng tăng được bao nhiêu. Vì tính đến thời điểm hiện nay, Luật Thuế TNCN với những bất cập về cách tính thuế, bậc thuế, mức giảm trừ gia cảnh… vẫn chưa được sửa đổi.
Luật thuế TNCN cần được sớm điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn |
Vào cuối tháng 5/2024, tại các phiên thảo luận của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ này chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Luật TNCN vì mức giảm trừ với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần (4,96 triệu đồng/người/tháng). Trong khi tỷ lệ này ở các nước là dưới 1 lần. Ngoài ra, từ 2020 đến nay CPI chỉ tăng khoảng 11,74%, thấp hơn điều kiện để điều chỉnh thuế. Mặc dù vậy, đại diện Bộ Tài chính vẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Thuế TNCN (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10/2025, và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.
Như vậy, những lo ngại về khả năng phát sinh thuế TNCN của người dân sau đợt tăng lương ngày 1/7 là có cơ sở. Vì ít nhất đến giữa năm 2026, Luật Thuế TNCN với các điều chỉnh (nếu có) về mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thu nhập chịu thuế và cách phân chia bậc thuế… mới được ban hành. Để triển khai Luật Thuế TNCN (sửa đổi) nhiều khả năng sẽ phải chờ Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng nghĩa là trong khoảng hơn 2 năm nữa, sau khi được tăng lương nhiều người lao động sẽ phải đóng thuế nhiều hơn và mục tiêu của chính sách tăng lương sẽ phần nào bị hạn chế.
Trao đổi về những vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đáng ra việc sửa Luật Thuế TNCN phải được xem xét từ nhiều năm trước, càng sớm càng tốt chứ không để chờ theo lộ trình đến năm 2026 mới thực hiện. Dù cho rằng, các cơ quan làm chính sách cũng có nhiều khó khăn, song cũng chính bởi vậy nên ông Đức kỳ vọng đợt sửa Luật Thuế TNCN sắp tới cần giải quyết được những điểm cơ bản nhất để tránh chuyện vừa sửa xong đã lạc hậu. Đơn cử như các mức giảm trừ gia cảnh cũng cần nghiên cứu đưa ra các mức linh hoạt, không cào bằng vì mặt bằng thu nhập, tính chất, đặc điểm của từng người, từng địa bàn khác nhau.
“Hiện công nghệ có thể quản lý đầu ra đầu vào, hóa đơn chứng từ đều có. Những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền mua nhà, xây nhà, thuê nhà... phải được quy định cụ thể trong luật, được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN như thế nào”, ông Đức đề nghị.
Cũng liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định cần bám sát mức lương tối thiểu vùng và tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập thực tế của từng địa bàn, từng đối tượng người nộp thuế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ số CPI tính trên 725 mặt hàng, trong khi chi phí sinh hoạt của người lao động chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu. Vì vậy việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa vào chỉ số CPI là chưa hợp lý. Hơn nữa, mức sống, chi phí của từng khu vực khác nhau trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh được tính cào bằng và “giậm chân tại chỗ” nhiều năm qua là không phù hợp.
“Khi sửa Luật thuế TNCN cần dựa theo mức lương tối thiểu để tính ra mức giảm trừ gia cảnh hằng năm thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI. Mức này có thể là 4 lần mức lương tối thiểu. Trước mắt, trong thời gian chờ sửa Luật thì có thể thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ như giảm thuế TNCN 50% trong những tháng cuối năm 2024”, ông Nghĩa đề xuất.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Ngọc Minh (chuyên gia lĩnh vực thuế thu nhập), so với nhiều quốc gia, mức điều tiết thuế TNCN của Việt Nam còn khá cao. Cách đánh thuế lũy tiến như hiện nay sẽ dẫn tới xói mòn sự hăng say tăng năng suất lao động. Vì thế Việt Nam nên xem xét giảm còn 4 bậc tính thuế TNCN với các mức: 5%, 10%, 20% và 30% với mức thu nhập 60 triệu đồng/tháng chịu mức thuế cao nhất là 30%. Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung các khoản thu nhập chịu thuế như thu nhập từ kiều hối, kế thừa, quà tặng của một số đối tượng đặc thù để tạo sự công bằng trong chính sách thuế TNCN.