Sức hấp dẫn nào từ cổ phiếu ngân hàng?
Theo đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đặt kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 9,62% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11%. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.
Một cái tên khác là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) với mục tiêu lãi trước thuế năm 2024 tăng 13% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 20%, đạt 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng tăng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn được dự kiến tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng 21% so với thực hiện năm 2023. Quy mô tài sản Nam A Bank dự kiến 232.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng duy trì quanh mức 2%, biên lãi thuần (NIM) khoảng trên 3,3%.
Bên cạnh những cái tên kể trên, nhiều nhà băng dù chưa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), nhưng đã hé mở kế hoạch kinh doanh năm nay.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB - Vietcombank) tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng ít nhất 10%.
Về phía Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB), đơn vị này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đạt 10% trong năm 2024; tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 16% được NHNN giao.
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank - HoSE: HDB) đề ra kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 tăng tối thiểu 20% so với thực hiện năm 2023. NIM được dự báo sẽ ổn định trong khoảng từ 5 đến 5,2% nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tốt.
Các chuyên gia nhìn nhận, triển vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng trong thời gian tới sẽ có sự phân hóa mạnh. Những ngân hàng thuộc “top” đầu, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, trong khi các cái tên thuộc nhóm vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu, quản trị tài sản, hoặc tạo “bộ đệm” dự phòng tốt.
Còn theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), nợ xấu vẫn là mối lo của ngành Ngân hàng, nhất là khi được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, ngân hàng cũng phải dự phòng lớn. Bên cạnh đó, về biên lợi nhuận trong năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng có khả năng đi ngang, nên các nhà băng thường đặt kế hoạch tăng trưởng dè dặt.
Nỗi lo này có cơ sở bởi năm 2024, ngành Ngân hàng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn thu không còn đa dạng như các năm trước và phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng (hay còn gọi là lãi thuần). Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, mảng Bancassurance (bảo hiểm) năm nay cũng sẽ không thuận lợi. Lĩnh vực trái phiếu dù đã có những tiến triển tích cực nhưng có thể chỉ có một vài ngân hàng lớn có nguồn thu.
Mặt khác, nguồn thu từ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất huy động được đánh giá không còn dư địa giảm (và thậm chí một số dự báo có thể tăng trở lại), trong khi lãi suất cho vay giảm sẽ khiến NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) các nhà băng, đặc biệt là nhóm nhà băng vừa và nhỏ bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn.
Bất chấp những khó khăn kể trên, nhóm ngân hàng vẫn được giới chuyên gia đánh giá có sức hấp dẫn để thu hút dòng tiền.
Điều này được chứng minh qua thực tế khi tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng rất tốt, thống kê cho thấy nhiều mã đạt mức tăng 2 chữ số như: BID (+19,07%), VAB (+15,71%), VCB (+12,93%), VIB (+10,86%)… Sự tích cực của cổ phiếu “vua” là động lực quan trọng để VN-Index “bay cao” trong thời gian qua.
Dù vậy, để cổ phiếu “vua” tiếp tục hút tiền trong phần còn lại của năm 2024 còn phụ thuộc vào câu chuyện riêng của từng mã. Giới chuyên gia dự báo hai yếu tố hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng là cổ tức tiền mặt và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Điển hình là VIB sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng. Cổ phiếu thưởng cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Đặc biệt, nhà băng này dự kiến chỉ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tối đa là 12,5%.
Tương tự, ACB cũng cho biết kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, trong đó 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.
Ngoài ra, đó còn là câu chuyện “bán vốn”, như thương vụ Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Theo nguồn tin của Bloomberg, Vietcombank có thể tiếp cận được các nhà đầu tư nước ngoài lớn và đợt chào bán vốn sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2024, qua đó, dự kiến thu về được khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng).