Tái cấu trúc để nắm bắt thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản trở lại “đường đua” Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích tăng trưởng và xuất khẩu Xuất khẩu thủy sản khó bứt phá trong ngắn hạn |
Đối mặt nhiều khó khăn
Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã và đang chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu… Doanh nghiệp xuất khẩu cũng vì thế mà gặp muôn vàn khó khăn.
Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Hưng chia sẻ, thời gian qua, số lượng và quy mô các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh, đơn giá giảm sâu. Tổng giá trị xuất khẩu của công ty trong 9 tháng năm 2023 đạt 110 triệu USD, giảm 28,6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh; bảo đảm việc làm cho hơn 4.000 người lao động.
Còn Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - Vita Jean Phạm Văn Việt cho biết, để bù đắp cho sự thiếu hụt ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, công ty đang nỗ lực tìm cách mở thêm các thị trường mới. Đồng thời, cân đối lại chủng loại mặt hàng. Hiện doanh nghiệp đang hướng đến các thị trường như Canada, Úc với những sản phẩm số lượng cao và giá rẻ trong ngắn hạn; đồng thời tiếp tục chú trọng các thị trường như EU và Mỹ trong dài hạn. Với thị trường nội địa, công ty sẽ định hình lại các sản phẩm để cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế.
Các doanh nghiệp cần nắm bắt các thị trường xuất khẩu tiềm năng |
Thay đổi chờ cơ hội phục hồi
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, chủ động tham mưu, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động.
Hưng Yên hiện có 1.086 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, hoàn thuế; thực hiện tốt công tác giám sát quản lý, hiện đại hóa hải quan, bảo đảm việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế; chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư.
GS-TS. Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, doanh nghiệp muốn tăng trưởng bền vững thì phải tái cơ cấu hoạt động xuất khẩu. Theo đó, cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường lớn. Tương tự, với các CPTPP và RCEP, doanh nghiệp Việt cũng mới tập trung vào thị trường lớn. Việc khai thác thị trường thông qua các FTA vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng rất lớn.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu, GS-TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, các cấp quản lý cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất; bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất xanh. Cùng với đó, các chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh nhằm giải quyết nhu cầu nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Muốn xuất khẩu bền vững, cần triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty gỗ Lâm Việt nhìn nhận, doanh nghiệp cũng cần chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; tìm kiếm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động chờ thị trường phục hồi; ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải… để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.