Tài chính số thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Niềm tin của người tiêu dùng với các dịch vụ tài chính số”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá, tài chính số đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp trong xã hội. Cụ thể, tài chính số giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận với chi phí hợp lý, thuận tiện và an toàn hơn so với các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống. Đồng thời, giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiết giảm chi phí, tùy biến hơn trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ, mở ra tiềm năng lớn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Nhiều tính toán cho thấy chi phí mỗi giao dịch thực hiện trên kênh kỹ thuật số giảm đến 80-90% so với các giao dịch truyền thống.
Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như ngân hàng di động, đại lý ngân hàng, cùng với các sản phẩm, dịch vụ như ví điện tử, tiền di động tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện.
Thực tế trên đã được chứng minh qua những con số ấn tượng: đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giá trị giao dịch qua ngân hàng trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí/doanh thu của các ngân hàng đã giảm 30-40%, giúp tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dịch vụ tài chính số, Phó Thống đốc cho rằng, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan tới quyền riêng tư và mất an toàn dữ liệu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống tài chính và hoạt động đổi mới công nghệ.
Chia sẻ cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) thông tin, người tiêu dùng đang đối mặt với một số rủi ro như về gian lận số, công nghệ, bảo mật, đạo đức, bán hàng… Do vậy, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy thị trường dịch vụ tài chính số nhưng vẫn đảm bảo được an toàn, lợi ích của người tiêu dùng, tạo dựng và giữ được niềm tin của khách hàng sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ ngân hàng số ngày càng phổ biến |
Lấy ví dụ về kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Malaysia, bà Hiền cho biết, nước này xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, thống nhất với các nội dung cần thiết về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Sự thống nhất, chặt chẽ này đã giúp Malaysia giám sát hiệu quả các tổ chức tài chính. Hay với Indonesia, nước này đã xây dựng quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính và trong cả hệ thống thanh toán. Đồng thời, trong hệ thống quản lý giám sát cũng xây dựng một cơ quan riêng có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Lấp khoảng trống pháp lý
Tại Việt Nam, song song với việc thúc đẩy quá trình số hoá, đem lại sự thuận tiện và trải nghiệm ngày càng tốt cho khách hàng, các nhà băng cũng đang không ngừng tăng cường bảo vệ, tạo lập và giữ niềm tin của người dùng. Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Digital Banking TPBank chia sẻ, ngân hàng đã thiết kế trải nghiệm sản phẩm số đảm bảo thuận tiện kết hợp với an toàn. Ngoài ra, ngân hàng liên tục truyền thông, nâng cao nhận thức của khách hàng, để họ có thể chủ động phát hiện, nhận biết các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sử dụng dịch vụ. Mặt khác, ngân hàng đầu tư hệ thống AI phân tích, nhận diện giao dịch bất thường; tiến hành xây dựng quy trình xử lý rủi ro trong trường hợp phát sinh sự cố, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề nhanh chóng, kịp thời.
Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số của các nhà băng đồng thời tăng cường bảo vệ người dùng tài chính số. Ông Nguyễn Trung Anh - Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, về đảm bảo an ninh, an toàn, NHNN được xếp hạng cao nhất về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin nhờ nhiều giải pháp quyết liệt như rà soát, ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và phòng chống tội phạm mạng tại tổ chức tín dụng; thành lập mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng và tổ chức các hoạt động ứng cứu sự cố. NHNN cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Tuy nhiên, có một thực tế các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính số không chỉ đơn thuần là ngân hàng, mà có cả các công ty công nghệ, Fintech. Trong khi đó, hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có các quy định trách nhiệm tổ chức tín dụng, NHNN, tổ chức trung gian thanh toán với các sản phẩm truyền thống, mà chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty công nghệ, công ty giữ vai trò đại lý ngân hàng. Đây là khoảng trống pháp lý quan trọng đặc biệt trong vấn đề giữ bảo mật cho khách hàng.
Để tăng cường bảo vệ người dùng tài chính số, đối với cơ quan quản lý, bà Hiền cho rằng, cần xây dựng văn bản luật pháp thống nhất để điều chỉnh các vấn đề liên quan và bảo vệ quyền về dữ liệu cá nhân, đặc biệt, trong việc xác định trách nhiệm đối với bên cung ứng dịch vụ thứ ba. Đồng thời, xây dựng cơ chế tiếp nhận, quản lý và giải quyết khiếu nại hiệu quả.
“Các sản phẩm, dịch vụ tài chính số mới trên thị trường cần luôn cập nhật để nhận diện các rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, có thể thành lập một cơ quan có chức năng giám sát việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ tài chính số nói riêng”, bà Hiền gợi ý thêm.
Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính số, các diễn giả tại Toạ đàm cho rằng, phải phát triển các sản phẩm, dịch vụ số song hành với các giải pháp công nghệ tăng cường an ninh, bảo mật thông tin cho khách hàng và sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Bên cạnh đó, cần có cơ quan chuyên trách trong an ninh tài khoản và bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.
Bản thân người tiêu dùng cũng cần tăng cường hiểu biết về tài chính số, chủ động cập nhật những thông tin mới về các hành vi lừa đảo, gian lận công nghệ số trong lĩnh vực tài chính để có ý thức bảo vệ bản thân.
Ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN: Số hoá thúc đẩy tài chính toàn diện Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tài chính số càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và hiệu quả. Qua quãng thời gian chúng ta phải giãn cách xã hội cho thấy, thông qua các nền tảng số như thiết bị di động, mạng internet, thẻ liên kết với các hệ thống thanh toán số… hoạt động thanh toán được thông suốt mà không cần đến tiền mặt cũng như các điểm giao dịch ngân hàng truyền thống. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và cung cấp tiện ích, thuận tiện cho người dùng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để cụ thể hóa Kế hoạch, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như, hoàn thiện hành lang pháp lý, liên tục chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; ngày càng có nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, thân thiện được cung ứng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tăng trưởng thanh toán qua kênh Mobile và qua phương thức QR code đều tăng mạnh; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác. Tại nhiều ngân hàng Việt Nam hơn 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN: Tạo lập thị trường tài chính số lành mạnh, minh bạch Để có thể thúc đẩy thị trường tài chính số hiệu quả, cơ quan quản lý cần chú trọng hoàn thiện pháp lý, quy định rõ các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ tài chính; nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho thị trường; bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của khách hàng; quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp… hướng theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tạo lập thị trường cung ứng dịch vụ tài chính số lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng tài chính; Hoàn thiện các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng như cơ chế giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính và kỹ thuật số. Trong đó, chú trọng tạo dựng một hạ tầng tài chính thiết lập chung các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục giảm thiểu rủi ro cho nhà cung cấp và người dùng. Song song với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ điện thoại di động cơ bản; quyền truy cập vào các dịch vụ dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ tài chính số… Ông Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội: Thay đổi thói quen của người dân Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng, góp phần thực hiện vào quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội bắt đầu triển khai dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” (dự án Mobile Banking). Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS với nội dung nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng. Qua đó, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng. Sau gần bốn năm triển khai dịch vụ, đã có gần 32 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 5,9 triệu khách hàng có đăng ký số điện thoại di động với ngân hàng (chiếm 90% tổng số khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội). Sau thành công bước đầu của dự án này, năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách với mục đích hỗ trợ người dùng là cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và các đối tượng tham gia quản lý tín dụng chính sách tương tác, theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế. Thông qua đó, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt tín dụng chính sách được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm chi phí, nhân lực nhưng đạt hiệu quả cao. Sau gần 2 năm triển khai, đến nay ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã có 47.786 người/26 tỉnh, thành phố dùng, trong đó có hơn 25.759 là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tăng cường và cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, Ngân hàng Chính sách xã hội vừa cho ra mắt ứng dụng VBSP SmartBanking - dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh (Mobile banking) giúp khách hàng giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội mọi lúc, mọi nơi. Sau gần 3 tháng triển khai ứng dụng VBSP Smartbanking đã có 75 nghìn tài khoản, phát sinh hơn 642 nghìn giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. |