Tài chính toàn diện - công cụ đắc lực xóa đói, giảm nghèo
Trên đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều tại Việt Nam” do TS. Trần Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng làm chủ nhiệm đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, nghèo đói là một vấn đề mang tính chất toàn cầu và luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm, nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế nhằm từng bước xóa bỏ nghèo đói. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tình trạng thất nghiệp, giảm trừ thu nhập gia tăng có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào cảnh nghèo đói, việc tìm ra các nhân tố tác động đến giảm nghèo đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Đã có khá nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của tài chính toàn diện (FI) đến nghèo trên khía cạnh thu nhập. Tuy nhiên, thước đo này không thể phản ánh sự thiếu hụt các nhu cầu thiết yếu khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là những nhu cầu không thể mua được bằng tiền và những nhu cầu không thể thay thế được. Do đó, cần xem xét tác động của FI lên các khía cạnh nghèo khác nhau như thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin…
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thị Thanh Hương đã thông tin về tình trạng nghèo đa chiều tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2020 giảm hơn một nửa so với năm 2016, từ 9,9% năm 2016 giảm xuống còn 4,8% năm 2020. Bên cạnh đó, khi xem xét theo khu vực, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị, nhưng khoảng cách đang có xu hướng giảm dần.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo nhưng giảm nghèo ở Việt Nam chưa thật sự bền vững. Chẳng hạn trong hai năm 2016-2017, tỷ lệ hộ tái nghèo chiếm bình quân 5,17% tổng số hộ thoát nghèo/năm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao (so với hộ thoát nghèo) tập trung vào các vùng dân tộc thiểu số, miền núi như: vùng miền núi Đông Bắc (24,67%); vùng miền núi Tây Bắc (39,21%); Tây Nguyên (31,74%),...
Trong khi đó, FI ra đời và phát triển đã mở ra những cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân. Các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm an toàn đang dần trở nên phổ biến với mọi tầng lớp dân cư. Sự gia tăng trong số lượng hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ ngân hàng đã đem đến những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của các quốc gia.
TS. Trần Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài. |
Nhóm nghiên cứu chỉ ra, tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo thể hiện qua các kênh tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Đơn cử như FI giúp giảm nghèo thông qua tiếp cận rộng rãi đến tín dụng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cung cấp các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giao dịch hàng ngày cho tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế nói chung. Với kênh gián tiếp, tăng trưởng kinh tế do FI dần dần mang lại lợi ích cho người nghèo thông qua tạo việc làm và tăng chi tiêu xã hội của Chính phủ cho y tế, giáo dục và bảo vệ xã hội.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy hộ gia đình có sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng, có sử dụng thẻ ATM, khu vực sinh sống của hộ đều có tác động nghịch chiều tới nghèo đa chiều. Số năm đi học của chủ hộ và trình độ chuyên môn của chủ hộ có tác động nghịch chiều tới nghèo đa chiều. Hộ gia đình có tham gia bảo hiểm nhân thọ thì khả năng rơi vào nghèo đa chiều thấp hơn hộ không tham gia bảo hiểm nhân thọ là 82,8%. Quy mô hộ gia đình có tác động thuận chiều với nghèo đa chiều.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất, để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều trong thời gian tới, Việt nam nên chú trọng đến các giải pháp nhằm phát triển FI như: Đẩy mạnh mức độ tiếp cận FI; đẩy mạnh mức độ sử dụng dịch vụ tài chính; phát triển tài chính số; tăng cường giáo dục tài chính; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính số. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách nhằm giảm nghèo đa chiều như: thúc đẩy phát triển tài chính vi mô; thúc đẩy việc làm có năng suất cao nhằm tăng thu nhập cho người lao động và nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách giảm nghèo.