Tái cơ cấu Ngành Công Thương: Cần xây dựng "sếu đầu đàn" doanh nghiệp tư nhân làm động lực thúc đẩy
Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chỉ ra những điểm yếu của ngành và hiến kế triển khai thành công Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023.
Trụ cột trọng yếu của nền kinh tế
TS. Nguyễn Văn Hội phân tích, ngành công nghiệp trong suốt giai đoạn qua được tái cơ cấu theo đúng hướng theo đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác, tận dụng tối đa cơ hội và cam kết quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, hiện 85% các mặt hàng được xuất khẩu từ ngành công nghiệp, tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các nước khác trên chính thị trường nội địa.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng "tái cơ cấu ngành Công Thương là tái cấu trúc nền kinh tế". Điều này có thế thấy rõ trong thời gian qua cùng với việc thực hiện Quyết định 2146/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ đó ngành Công Thương đã thực sự đồng hành cùng với đất nước trong suốt quá trình đổi mới, cũng như trong quá trình tái cơ cấu hay nói cách khác mạnh hơn là tái cấu trúc nền kinh tế.
“Ngành Công Thương đã đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện cả trong sản xuất cũng như trong thương mại. Trong sản xuất, sự phát triển của ngành được hội tụ rất rõ ở sự gia tăng tốc độ tăng trưởng và tăng cải thiện vị trí, vị thế, đóng góp và tầm quan trọng của ngành Công Thương trong nền kinh tế”, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Công nghiệp đã đáp ứng cơ bản phát triển thị trường trong nước, góp phần vào tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong nước. Năm 2022, xuất nhập khẩu đã ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”.
Thị trường nội địa là nền tảng thúc đẩy xuất khẩu ổn định và bền vững
Xuất khẩu ghi nhận con số tương đối lớn song TS. Nguyễn Văn Hội cũng chỉ ra vẫn tiềm ẩn rủi ro vì mặt hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng hay sự tham gia vào chuỗi cũng ứng xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp, nhất là về công nghệ. Doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam cam kết và hoạt động đầu tư có hỗ trợ nhưng tỷ lệ vô cùng thấp. Từ năm 2022 đến nay, có thể nhìn rõ tác động, sự suy giảm của khối doanh nghiệp FDI đã góp phần kéo giảm xuất khẩu của cả nước. Chính vì vậy, ông cho rằng cần xây dựng quy định ràng buộc hơn nữa trong chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết.
“Đã đến lúc nhìn vào con số thực tế kim ngạch xuất khẩu và giá gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu đó, cần tập trung vào mặt hàng Việt Nam có giá trị cao, như: Mặt hàng công nghiệp chế biến, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế”, TS. Nguyễn Văn Hội phân tích cụ thể.
Với thị trường nội điạ, TS. Nguyễn Văn Hội cho rằng mục tiêu tốc độ tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ 13-15%/năm trong Quyết định số 165/QĐ-TTg là hoàn toàn khả thi. Con số tăng trưởng này đã được duy trì trong suốt những năm qua và đang được củng cố bởi thị trường 100 triệu dân nhu cầu tiêu dùng tăng rất nhanh và tiềm năng.
Về mặt cơ chế cũng như bản thân doanh nghiệp đã có chiến lược thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phù hợp với thị trường nội địa. Muốn xuất khẩu ổn định, bền vững thì thị trường nội địa cần được coi là nền tảng. Bởi lẽ, một mặt thị trường nội địa là kết nối mở rộng với xuất khẩu; mặt khác thị trường nội địa tạo ra sức ép cạnh tranh sòng phẳng giữa hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa trên thị trường nội địa.
“Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu cần tập trung phát triển hơn nữa hạ tầng thương mại nhằm một mặt gắn kết, tạo nền tảng bền vững cho phát triển đẩy mạnh thương mại nội địa đang phát triển rất nhanh hiện nay, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Văn Hội nêu giải pháp.
Xây dựng "sếu đầu đàn" là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
"Cần phải hiểu tái cơ cấu là một trong nhiều cách thức tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vai trò của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trong quá trình tái cơ cấu rất quan trọng", TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.
Trong những năm gần đã xuất hiện nhiều các doanh nghiệp đầu đàn trong ngành ô tô, thủy sản, dệt may… chủ yếu là doanh nghiệp ở khu vực tư nhân nhờ Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
“Tôi tin rằng trong tương lai gần, nếu chúng ta duy trì được điều này sẽ xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt”, TS. Nam nói.
Tuy nhiên, TS. Tô Hoài Nam cho rằng muốn tái cơ cấu một ngành nói chung và từng doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng thì chỉ một mình ngành Công Thương không làm được mà cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông chỉ ra 4 vấn đề cần khắc phục hiện nay để đẩy nhịp tái cơ cấu. Một là tư duy phát triển doanh nghiệp và tư duy phát triển ngành phải linh hoạt. Tuy nhiên hiện có vấn đề ở chỗ người làm chính sách vẫn chưa thể hiện tính phù hợp và lệch nhịp giữa chính sách và thực lực cũng như thực tế.
Hai là nâng cao tính thực thi chính sách. Ông chỉ ra điểm yếu nhất đó là quá trình thực thi, mục tiêu rõ, chính sách tốt nhưng thực thi kém.
Ba là về phát triển khoa học công nghệ đã có nhiều thay đổi tiến bộ, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu tiên tiến để hàm lượng khoa học công nghệ chiếm lĩnh tỷ trọng nhất định trong quá trình tái cơ cấu - điều kiện cần thiết quan trọng.
Bốn là nỗi lo của doanh nghiệp là tiếp cận vốn và tiếp cận mặt bằng sản xuất khiến không thể tập trung vào tái cơ cấu.
“Nếu khắc phục được khó khăn này nó mới là điều kiện cần để chúng ta thực hiện tái cơ cấu”, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của TS. Tô Hoài Nam, trong quá trình phát triển phải dựa vào kinh tế tư nhân, dựa vào sếu đầu đàn FDI không là khả thi, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương TS. Nguyễn Văn Hội bày tỏ “Quan điểm của tôi là cần xây dựng các con sếu đầu đàn là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) làm chủ mới bền vững. Tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để mang lại sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp khác trong giai đoạn tới”.
Tái cơ cấu cần tổng thể và đồng bộ
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương cần phải được triển khai đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị quá trình tái cơ cấu cũng cần phải được nhìn nhận trong một tổng thể đồng bộ, vừa đồng thời thể hiện sự trọng tâm, trọng điểm, đặc thù và phải gắn kết với tính thực tiễn và tính hiệu quả của sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, "sự phát triển đòi hỏi sự đồng bộ, sự toàn diện trong cơ cấu chính sách, bao gồm cả chính sách công nghiệp, chính sách kinh tế, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách khoa học công nghệ, chính sách thị trường, con người, chính sách hạ tầng. Tất cả phải dựa trên thực tế, bao gồm cả bề rộng, cả bề sâu và bám sát vào thực tiễn cũng như lấy hiệu quả làm thước đo, làm mục tiêu để tạo ra sự bền vững trong quá trình tái cơ cấu, tránh những rủi ro”, TS. Nguyễn Minh Phong thông tin thêm.
Ông Phong cũng cho rằng phải thể chế hóa tất cả những mục tiêu, những biện pháp, những nhiệm vụ thành văn bản hay còn gọi là pháp lý hóa, biến thành những văn bản mang tính pháp lý cao cả về mặt luật pháp, chương trình hành động, nhiệm vụ giao cho tất cả các bộ, ngành, địa phương các cấp có liên quan. Thậm chí phải thể hiện trong quy hoạch, trong chiến lược, trong dự án,… để trở thành công cụ vừa chỉ đạo, vừa hành động. Bởi nếu không sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
Đồng thời phải cụ thể hóa hơn nữa những nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn, từng thời điểm nhưng phải gắn trong một sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương; đồng bộ giữa các giải pháp, lĩnh vực, các khía cạnh; đồng bộ trong từng đơn vị hành động.
Bàn về các nhiệm vụ quan trọng nhất cần triển khai trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó, sớm xây dựng và ban hành Luật phát triển Công nghiệp quan tâm đến các đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Luật Thương mại 2005 cần nghiên cứu thay thế và bổ sung bởi bối phát triển thương mại đã khác nhiều. Ông cũng đề xuất xây dựng, sớm triển khai các quy hoạch và phải phù hợp với tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia và phù hợp với các luật hiện nay. Đồng thời có chiến lược cụ thể với ngành hàng cụ thể, đồng thời phù hợp với tổng thể của nền kinh tế để triển khai cơ chế chính sách và hỗ trợ cụ thể.