Tài khóa - tiền tệ: Chia lửa cuối năm
Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 |
Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024 của ADB, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ ở mức 6,0%, khá thấp so với mục tiêu 6,5-7% mà Chính phủ đang phấn đấu đạt được. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Các xu hướng phát triển gần đây củng cố dự báo tăng trưởng này. Xuất khẩu đã phục hồi rất tích cực trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, giúp GDP tăng trưởng tới 6,4% trong giai đoạn này. Dù vậy, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu có thể sẽ chậm lại một chút do yếu tố so sánh. Năm 2023, sự phục hồi đã mạnh mẽ từ giai đoạn khó khăn của năm 2022, và khi so sánh với nửa cuối năm 2023, tốc độ phục hồi của xuất khẩu sẽ không còn đạt mức cao như nửa đầu năm. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng của cả năm cân đối lại, và chúng tôi cho rằng mức 6% vẫn là rất tích cực. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Chúng ta cũng không nên chỉ tập trung vào con số tăng trưởng mà còn chú ý đến chất lượng tăng trưởng. Gần đây, Chính phủ đang có những bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, như tạo động lực tăng trưởng mới cho các khu vực, tỉnh thành mới bên cạnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… Việc tập trung vào chất lượng sẽ giúp tạo ra tăng trưởng bao trùm, mang lại nhiều lợi ích hơn.
Theo ông, các động lực chính giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng là gì?
Một trong những động lực chính là sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu. Nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử chủ lực của Việt Nam tiếp tục gia tăng, nhờ sự quay trở lại của các đơn đặt hàng mới và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng. Ngành công nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3% vào năm 2024. Cùng với đó, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa cũng được kỳ vọng sẽ tăng hơn 10% trong năm 2024 nhờ vào sự phục hồi từ nhu cầu bên ngoài, là yếu tố quan trọng giúp giữ vững đà tăng trưởng. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ tăng trưởng 6,6%, nhờ sự hồi phục của du lịch và các dịch vụ liên quan, trong khi nông nghiệp dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức 3,4%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối diện với một số rủi ro, thách thức. Trước hết, nhu cầu nội địa yếu vẫn là một vấn đề lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số bán lẻ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tiêu dùng trong nước chưa phục hồi mạnh mẽ. Điều này đáng lo ngại bởi nhu cầu nội địa vẫn luôn là yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các xung đột địa chính trị gia tăng, nhu cầu bên ngoài có thể yếu hơn kỳ vọng… là những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm. Đối với Việt Nam, mặc dù xuất khẩu phục hồi, nhưng điều này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào biến động của các thị trường lớn, như Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công chậm, với chỉ 40% đạt được trong 8 tháng đầu năm so với dự toán, là một quan ngại. Để tăng trưởng cao hơn, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường các biện pháp kích cầu trong nước.
Đầu tư công là một động lực quan trọng của tăng trưởng |
Báo cáo ADO cũng nhấn mạnh rằng dư địa thực hiện chính sách tiền tệ hiện đã bị hạn chế đáng kể. Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
Đúng vậy. Hiện tại, dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam là rất hạn chế. Trước đó trong năm 2023, NHNN đã nhiều lần hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, lãi suất chính sách đang ở mức 4,5%, khá gần với mức lạm phát trung bình 4,04% trong 8 tháng đầu năm 2024. Với lãi suất thực dương ở mức thấp như vậy, không gian để giảm thêm lãi suất là rất hẹp. Nếu NHNN tiếp tục hạ lãi suất, lãi suất thực có thể rơi vào mức âm. Điều này có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực như dòng tiền rút khỏi ngân hàng và chuyển sang các tài sản khác, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Nên mặc dù Fed vừa qua có giảm lãi suất, điều này cũng không tạo áp lực lớn đối với NHNN phải điều chỉnh lãi suất chính sách. Hiện tại, mức lãi suất tại Mỹ (dao động từ 4,5% đến 5%) vẫn cao hơn so với Việt Nam. Hơn nữa, dù Fed tới đây có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất, sự chênh lệch này vẫn duy trì lợi thế cho đồng USD so với đồng VND, do đó thị trường Việt Nam vẫn chưa phải rất hấp dẫn, hay nói cách khác và vẫn khó thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp chảy vào.
Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu gia tăng do chu kỳ suy giảm kinh tế vừa qua cũng là yếu tố hạn chế việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Ngoài ra, cầu tín dụng hiện nay yếu không phải vì lãi suất cao mà do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, khiến việc giảm lãi suất không có tác động lớn đến tăng trưởng tín dụng.
Về tỷ giá, năm 2024 tỷ giá VND/USD đã có một số biến động trong những tháng qua, chủ yếu do tình trạng thiếu ngoại tệ cục bộ ở một số thời điểm. Tuy nhiên, NHNN đã kịp thời điều chỉnh bằng cách tăng cung ngoại tệ, ổn định thị trường. Từ nay đến cuối năm, áp lực tỷ giá có thể gia tăng do nhu cầu thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp thường tăng cao vào cuối năm. Dù vậy, với việc Fed giảm lãi suất vừa qua và có thể hạ lãi suất thêm 0,5% nữa tới đây, áp lực này sẽ giảm đi, đồng thời cung ngoại tệ có thể tăng lên nhờ kiều hối từ nước ngoài vào cuối năm. Tuy áp lực giảm đi nhưng là theo nghĩa bớt căng thẳng, tức là chưa phải đã giúp cho dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tăng lên. Việc duy trì ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh áp lực lạm phát và bảo vệ sức mua của tiền đồng.
Như vậy, câu chuyện “chia lửa” giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ cần được nhấn mạnh trong những tháng tới đây?
Tôi đồng tình với chủ trương này. Khi dư địa cho chính sách tiền tệ đã hẹp, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công cần được đẩy mạnh hơn nữa, bởi đây là nguồn động lực quan trọng cho cả cung và cầu. Đầu tư vào hạ tầng không chỉ tạo việc làm mà còn kích thích các hoạt động kinh tế khác, từ sản xuất đến tiêu dùng. Để giải được bài toán thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lúc này phải tập trung nhiều hơn vào hiệu quả của chính sách tài khóa. Khi Chính phủ tăng chi tiêu lên để kích cầu, doanh nghiệp họ mới nhìn thấy cơ hội sản xuất kinh doanh sôi động, doanh nghiệp họ mới cần đến vốn, lúc đấy mới đi vay thêm, giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện. Còn với điều kiện hiện nay, khi mà cầu tín dụng yếu, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa cũng không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp.
Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và năm 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với đó là các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Tôi tin rằng nếu trong thời gian tới có những sáng kiến cải cách mạnh mẽ hơn, nền kinh tế nội địa và nhu cầu nội địa phục hồi tốt hơn sẽ giúp tạo ra không gian tăng trưởng mới. Như vậy, Việt Nam cũng có thể đạt được mức tăng trưởng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!