Tận dụng thời cơ, đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi cung ứng
Cơ hội, thách thưc đan xen
Kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá sản xuất theo chuỗi cung ứng là hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực đối với các bên tham gia. Các chuyên gia cho rằng, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá vừa là cơ hội, cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Đắk Lắk một trong những địa phương được đánh giá có lợi thế lớn về phát triển vùng nguyên liệu hàng hoá nông sản, với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp.
Đắk Lắk có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,5 tỷ USD/năm. Sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhờ có uy tín, chất lượng nên nhiều mặt hàng thâm nhập được vào các thị trường lớn, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Hội nhập quốc tế càng sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng |
Hiện Đắk Lắk có 12.442 DN, 612 HTX và 3 Liên hiệp HTX đang hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, HTX có những chuyển biến tích cực. Số HTX liên kết DN theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch. Nhiều HTX mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn, thách thức nếu người dân, DN không tận dụng được thời cơ để tham gia vào vào chuỗi cung ứng hàng hoá.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, để tạo điều kiện cho DN, HTX và các nông hộ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, ngành Công thương tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Để đa dạng đầu ra cho sản phẩm nông sản, bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống. Ngành Công thường tích cực hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá nông sản bằng việc kết nối với nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).
Đồng thời, làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm để đưa lên các gian hàng trên sàn TMĐT. Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk gần 100 mặt hàng tham gia vào các sàn TMĐT. Trong đó, nhiều DN tham gia được vào những sàn TMĐT lớn như: Amazon, Alibaba… Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá chỉ số TMĐT của Đắk Lắk năm 2022 xếp thứ 18 trên toàn quốc…
Đồng thời, đơn vị thường xuyên theo dõi sát tình hình biên mậu, cập nhật thông tin giá cả thị trường trong và ngoài nước đối với nông sản để tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu. Cùng đó, tăng cường kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm với các DN phân phối để nâng cao giá trị nông sản.
Cần có giải pháp hữu hiệu
Song trên thực tế, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong yếu tố phải kể đến tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ khiến sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi của các thị trường nước ngoài, tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với thế giới còn thấp. Phần lớn sản phẩm nông sản của Đắk Lắk vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới giá trị nông sản khi xuất khẩu chưa cao. Đặc biệt, hầu hết các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là DNNVV, thiếu cả về nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động để thực hiện chiến lược, kế hoạch xúc tiến thương mại bài bản.
Do đó, ông Dương cho rằng, cần có giải pháp mở rộng được DN mới tham gia xuất khẩu; cần đa dạng hóa thị trường. Cùng với thị trường truyền thống đã phát triển ổn định, phải nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường mới qua phương pháp kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT.
Đồng thời, phải có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư bài bản, chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Đắk Lắk cần tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá sản xuất theo chuỗi cung ứng cho các HTX với DN trong và ngoài địa phương |
Nhất là dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi DN, HTX cần phải đổi mới, tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp và sản xuất kinh doanh...
Nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá sản xuất theo chuỗi cung ứng cho các HTX với DN trong và ngoài địa phương; khuyến khích HTX phát huy tính năng động, chủ động trong sản xuất kinh doanh, sáng tạo, vững vàng vượt qua khó khăn và thử thách, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội thảo kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hoá sản xuất theo chuỗi cung ứng vào ngày 6/10/2023.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh cơ bản phát triển theo đúng định hướng, là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh và các ngành luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống và kết nối với nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm với các doanh nghiệp phân phối.
Ông Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm, định hướng và hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường mới; phát triển những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các HTX cần ưu tiên phát triển thị trường nội địa. Các DN cung ứng và tiêu thụ sản phẩm kết nối bền vững với HTX để sản xuất kinh doanh hiệu quả…