Tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu
EU thực hiện quy định chống mất rừng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó Đơn đặt hàng đã trở lại nhưng doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu |
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Theo Bộ Công Thương, một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều vào kết quả này là công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đã và đang tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong 6 tháng đầu năm đều có sự phục hồi tốt và đạt tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi thực hiện các FTA với EU và Vương Quốc Anh, cùng với các hiệp định khác trong khuôn khổ ASEAN đã thúc đẩy rất mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam.
Từ khi thực hiện các FTA đã thúc đẩy rất mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam |
Bên cạnh đó, tỷ lệ áp dụng quy tắc xuất xứ và để thực thi CPTPP với một số mặt hàng vẫn gia tăng rất cao, ví dụ như gạo tăng đến 2.500%, sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng hơn 300%, máy móc thiết bị và các phụ phụ tùng khác tăng hơn 100%. Điều điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế mà CPTPP mang lại.
Tuy nhiên qua theo dõi của Bộ Công Thương và một số khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi của các FTA đã ký kết chưa cao. Nguyên nhận có thể thấy rằng, một số thị trường có mức thuế đã giảm về mức khá thấp nên cũng không tận dụng được nhiều CO ưu đãi. Tuy nhiên, dư địa là vẫn còn và doanh nghiệp vẫn cần phải nắm vững hơn thông tin về các mức thuế suất có thể hưởng lợi từ các FTA để có thể tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các thị trường này.
“Một trong những điểm quan trọng trong việc thực thi CPTPP là có nhiều cam kết ở trong cả những lĩnh vực mà chúng ta chưa cam kết bao giờ. Ví dụ như là mua sắm Chính phủ, các cam kết mới trong những lĩnh vực dịch vụ và thương mại, môi trường, thương mại và phát triển bền vững… Trong quá trình thực thi CPTPP, với sự chủ trì của Bộ Công Thương và thông qua phối hợp với các bộ ngành, chúng ta cũng đã đôn đốc các bộ, ngành xây dựng nhiều văn bản pháp luật để thực thi hiệu quả”, bà Trang cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến nay các bộ, ngành đã ban hành trên 20 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của CPTPP và được các thành viên tham gia CPTPP đánh giá cao về tính nghiêm túc trong tuân thủ các cam kết. Trong quá trình thực thi, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các nước thành viên để có thể tiến hành rà soát những điểm bất lợi, chưa hợp lý trong hiệp định và khả năng nâng cấp Hiệp định CPTPP để có thể đưa thêm những cam kết có lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam.
Trong khi thực thi các cam kết về phát triển bền vững, Bộ Công thương cũng đã cùng các hiệp hội, các cơ quan hữu trách để phổ biến các cam kết liên quan đến thương mại, phát triển bền vững tới doanh nghiệp, để hướng sản xuất theo xu thế tiêu dùng xanh và sản xuất sạch. Điều này nhằm đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu của thị trường EU cũng như các nước thành viên CPTPP.