Tăng cường giám sát đảm bảo an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán
Theo cơ quan soạn thảo, hệ thống thanh toán đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội hiện đại, là cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính đóng vai trò kênh hiệu quả để truyền tải và thực thi chính sách tiền tệ, đồng thời là cơ sở hạ tầng để thực hiện các giao dịch thanh toán, tài chính. Trong đó, các hệ thống thanh toán quan trọng là bộ phận cốt lõi của thị trường tài chính mà các tổ chức vận hành, các thành viên tham gia có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn; việc một hệ thống thanh toán quan trọng không hoạt động thông suốt, ổn định (như sự kiện thành viên không thể chi trả các nghĩa vụ thanh toán đến hạn trong một hệ thống thanh toán quan trọng) có khả năng lan truyền rủi ro hệ thống tới toàn bộ thị trường tài chính. Do đó, hoạt động giám sát của NHNN để kịp thời đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán quan trọng rất cần thiết cho sự ổn định chung của toàn thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT vào quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán cũng góp phần tạo sự đa dạng, thuận tiện của các dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Các hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ cuối cùng tuy không tạo ra rủi ro hệ thống tới toàn bộ thị trường tài chính nhưng cũng đặt ra những vấn đề về an toàn, an ninh trong lĩnh vực thanh toán. Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp đã đặt ra thách thức mới trong vấn đề tăng cường lòng tin của công chúng đối với dịch vụ, đảm bảo việc sử dụng dịch vụ an toàn, không bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp; bảo vệ người tiêu dùng… Các rủi ro này khi phát sinh rất dễ tác động đến dư luận, ảnh hưởng đến sự tin cậy của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT nhằm góp phần đảm bảo tính tuân thủ trong cung ứng dịch vụ TGTT, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ người tiêu dùng.
Quan điểm xây dựng Thông tư, đảm bảo phù hợp và kịp thời hướng dẫn các quy định mới về hoạt động giám sát của NHNN tại Nghị định thay thế Nghị định số 101; Tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo tính khách quan, minh bạch cho hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, góp phần đảm bảo hoạt động thanh toán được diễn ra ổn định, an toàn, hiệu quả; Xây dựng các quy định về hoạt động giám sát của NHNN trên cơ sở đánh giá sự cần thiết và phù hợp với nguồn lực giám sát.; Xây dựng các quy định về hoạt động giám sát của NHNN trên cơ sở kế thừa các quy định hợp lý, hiệu quả tại văn bản pháp luật hiện hành (Thông tư 20, Thông tư 39); khắc phục hạn chế, vướng mắc tại các quy định hiện hành, bổ sung các nội dung cần thiết để đảm bảo mục tiêu giám sát.
Dự thảo Thông tư dự kiến gồm 6 chương, 26 điều. Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều sau: bổ sung cụm từ “hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” để phù hợp với quy định về hoạt động giám sát của NHNN tại Luật NHNN và Nghị định thay thế Nghị định 101; Tại Điều 1 bổ sung phạm vi giám sát bao gồm hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT của tổ chức được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT để hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ giám sát của NHNN quy định tại Luật NHNN và Nghị định về TTKDTM; Bổ sung Điều 4 quy định tổng quát về các hoạt động giám sát. Về cơ bản, các hoạt động giám sát được giữ nguyên, tương tự quy định tại Thông tư 20. Các hoạt động giám sát được chi tiết tại các Chương tương ứng về giám sát hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT.