Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt
Đó là nhận định được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đưa ra tại Tọa đàm: Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 29/8.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Phát biểu tại sự kiện, TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ gia đình. Tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, theo Tổng cục Thống kê.
Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6% cho thấy, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Thêm nữa, tính đồng bộ của chính sách, mức hỗ trợ của chính sách chưa tốt. Đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn, TS. Vũ Mạnh Hùng nhìn nhận.
Năm 2022, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt 3,36%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đem về kim ngạch 53,2 tỷ USD. Song, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn rất thấp.
TS. Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), chỉ ra, các mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện nay khi xuất khẩu sang các nước hầu như chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Đây là một trong những hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm đồng thời hạn chế tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu.
Mặt khác, thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...
Các quốc gia và người tiêu dùng tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.
Ngoài ra, nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.
Đặc biệt, những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như xung đột Nga - Ukraina, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia… dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng. Hay giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và hiệu quả sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá của nông sản Việt Nam, giá xăng dầu biến động tạo bất ổn trong hệ thống sản xuất kinh doanh.
Các nước bảo hộ nền kinh tế trong nước bằng cách gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ khẩn cấp... với mục đích bảo vệ nền sản xuất trong nước tạo ra những thách thức đối với xuất khẩu nông sản… - TS. Trần Thị Thu Hiền chia sẻ thêm.