Tăng cường năng lực xuất khẩu cho nông sản Việt
Nâng giá trị xuất khẩu nông sản, giảm thiểu thiệt hại từ thẻ vàng Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Ngân hàng dành nguồn lực đặc biệt cho dự án nông nghiệp xanh |
Đó là phát biểu của bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam" do VCCI tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực |
Nông sản đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung
Giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế đất nước.
Hiện Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Riêng về nông sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho biết nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng 2023 đã cao hơn tổng kim ngạch của cả năm 2022 là 3,36 tỷ USD.
Để đạt được kết quả trên, theo các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam...
Toàn cảnh Hội thảo |
Khả năng cạnh tranh nông sản Việt chưa cao
Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, bà Trần Thị Lan Anh đánh giá sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi liên kết còn hạn chế; trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp; nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Riêng thị trường Liên minh châu Âu (EU), một thị trường tiềm năng, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Ywert Visser, thành viên tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cho biết công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam tương đối kém phát triển, điều này giới hạn phạm vi sản phẩm có thể xuất khẩu sang EU; tính chất quy mô nhỏ, manh mún của nông nghiệp gây khó khăn cho việc đầu tư vào kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường và các lĩnh vực quan trọng khác.
Đưa ra một số giải pháp, các chuyên gia cho rằng cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản; tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, in 3D, vật liệu mới...).