Tăng cường nhận thức về rủi ro rửa tiền
Tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau hơn 10 năm triển khai luật PCRT mặc dù NHNN cũng như các TCTD tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tế hoạt động của các TCTD, song vẫn bộc lộ những hạn chế bất cập. Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực quốc tế. Tại kỳ họp thứ 4 ngày 15/11/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu khai mạc |
Ngay sau khi luật PCRT được thông qua NHNN đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Để công tác PCRT của ngành Ngân hàng góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng và làm minh bạch hệ thống tài chính. NHNN sẽ ban hành Thông tư tạo hành lang pháp lý toàn diện để các TCTD triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số… cùng với yếu tố dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng. Các sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng với tốc độ số hóa nhanh và mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy và thu hút số lượng người dùng chuyển từ ngoại tuyến lên trực tuyến, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các tội phạm nguồn của rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
"Nhằm tăng cường nhận thức về rủi ro rửa tiền, hiểu biết về các quy định pháp luật mới về PCRT, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tiễn trong quản trị rủi ro rửa tiền/tội phạm tài chính, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các TCTD đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ lý do tổ chức tọa đàm.
Tại Tọa đàm các đại biểu tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai hoạt động phòng ngừa rủi ro rửa tiền hiệu quả.
Cục trưởng Cục Phòng Chống rửa tiền NHNN Phạm Tiên Phong cho biết, thời gian qua NHNN thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình triển khai và có văn bản chỉ đạo đối với các TCTD thực hiện các biện pháp tăng cường khi tội phạm liên quan đến rửa tiền và tội phạm khác giảm thiểu rủi trong hoạt động; phối hợp với các cơ quan điều tra kịp thời xử lý được nhiều vụ việc... Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền, NHNN đang phối hợp với các bộ ngành, TCTD thực hiện đánh giá một số rủi ro chính mà hệ thống ngân hàng có thể phải đối mặt trong thời gian tới như đánh bạc online, gian lận thuế...
Đại diện Techcombank chia sẻ, sự phát triển trong thời đại công nghệ số tiềm ẩn những nguy cơ đáng báo động về các loại hình tội phạm. Tội phạm nguồn cũng nhanh chóng lan rộng đến Việt Nam. Thống kê số vụ lừa đảo trực tuyến khoảng 12.900 vụ với 2 loại hình lừa đảo chính là đánh cắp thông tin cá nhân chiếm 24,4%, đặc biệt lừa đảo tài chính lên đến 75,6%. Gian lận qua mang thì có tới 87.000 vụ và Việt Nam đứng thứ 2 ở châu Á về số lượng mã động tống tiền, trong đó 90% cuộc tấn công mạng liên quan tới hệ thống tài chính ngân hàng...
Đến thời điểm này 90-95% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số; thanh toán phi tiền mặt có mức tăng trưởng cao. Đây là những tín hiệu tích cực nhưng cũng gây nguy cơ cho TCTD khi bị các loại tội phạm rửa tiền lợi dụng. Chẳng hạn như lợi dụng tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi trốn thuế, sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thanh toán; lợi dụng các tiện ích chuyển tiền quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền... Vì vậy, nếu thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quản trị rủi ro hiệu quả, các TCTD có thể đối diện với các rủi ro về pháp lý, tài chính, danh tiếng, tuân thủ.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm triển khai phòng chống rủi ro tội phạm tài chính, rửa tiền |
Cần phải giám sát chặt chẽ giao dịch đáng ngờ
Thực tiễn tại Việt Nam các quy định pháp luật về Phòng chống rửa tiền đã và đang tiếp tục được thay đổi để nâng cao hiệu quả của công tác này. Trách nhiệm của các TDTD phải thực hiện nghiêm túc các quy định. Chẳng hạn cập nhật thông tin nhận biết khách hàng trong thời gian thiết lập quan hệ nhằm bảo đảm các giao dịch mà khách hàng đang tiến hành phù hợp với các thông tin về khách hàng trong hồ sơ hiện có những thông tin đã biết, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng; sàng lọc và báo cáo hoặc áp dụng các biện pháp tạm thời với các giao dịch liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc nằm trong danh sách đen, truy nã, đối tượng có dấu hiệu liên quan đến tội phạm...
Đại diện TPBank chia sẻ những kinh nghiệm của ngân hàng đang áp dụng giám sát tất cả các giao dịch của khách hàng qua nhiều khâu để hạn chế rủi ro liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Cụ thể, về sản phẩm, ngân hàng quy định hạn mức theo các nhóm khách hàng và loại giao dịch giảm rủi ro trong trường hợp khách hàng mở tài khoản thanh toán theo kênh điện tử gian lận. Ngoài ra ngân hàng còn yêu cầu xác thực bảo mật 2 lớp - 2FA bảo vệ trong trường hợp kẻ gian đăng nhập tài khoản của khách hàng sẽ cần nhập mã xác thực từ thiết bị cũ. Giới hạn thời gian giao dịch giữa 2 giao dịch liên tiếp chỉ 60s tránh kẻ gian chiếm đoạt tài khoản thanh toán và thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc nhằm trục lợi tài khoản thanh toán của khách hàng.
Trên hệ thống công nghệ, để tránh kẻ gian thực hiện chạy tool hoặc gọi vào hệ thống liên tục để tấn công, hệ thống giới hạn một số rule liên quan đến giao dịch giới hạn theo số giao dịch trên giây Giới hạn theo mã thiết bị hoặc địa chỉ dải mạng của khách hàng thực hiện giao dịch. Nhằm giám sát, xử lý các giao dịch có dấu hiệu rủi ro do nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm quy định pháp luật, thực hiện giám sát theo kết hợp các tiêu chí như sử dụng quá 50% hạn mức cho phép, các giao dịch có nội dung chuyển tiền liên quan đến giải ngân hoặc cờ bạc, cá độ, giao dịch tới cùng 1 người thụ hưởng… Ngân hàng kết hợp với báo cáo, cảnh báo từ Napas, Ví điện tử, ngân hàng thụ hưởng, tổ chức trung gian thanh toán… để xác định giao dịch... Việc giám sát, xử lý các giao dịch trên đều được ngân hàng thực hiện hàng ngày.
Thực tế, trong quá trình triển khai hoạt động này các ngân hàng cho biết đang đối mặt với rủi ro thách thức như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các ngân hàng để có thể kịp thời ngăn chặn các khoản tiền lừa đảo hoặc giao dịch bất thường; Khó xác minh chính xác 100% & đầy đủ thông tin trên giấy tờ tùy thân của khách hàng cần dựa vào CSDL quốc gia về dân cư (đặc biệt là CSDL về CCCD). Giấy tờ của khách hàng chưa đồng bộ hết sử dụng CCCD gắn chip, Giấy tờ tùy thân cũ khó xác minh; Tốn nhiều nguồn lực đặc biệt cho công tác hậu kiểm 100%; đầu tư nhiều công nghệ đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về việc định danh khách hàng cũng như đảm bảo đáp ứng năng lực của hệ thống với số lượng khách hàng tăng cao...
Từ kinh nghiệm của ngân hàng, đại diện Techcombank chia sẻ để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, công tác quản trị phòng chống rửa tiền/tội phạm, các TCTD cần được chuyển đổi dựa trên 4 nguyên tắc: chiến lược, khung quản trị và mô hình hoạt động; quy trình, chính sách; con người và văn hóa; hệ thống.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá chủ đề cũng như những chia sẻ Tọa đàm rất bổ ích. Bởi đây là lĩnh vực vừa mới vừa khó nhưng lại rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Nhất là khi số lượng tài khoản ngân hàng ngày càng tăng trưởng hiện khoảng 150 triệu tài khoản trong đó 74% của người trưởng thành; hơn 90% giao dịch qua kênh số ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng cần phải quan tâm đúng mức đối với hoạt động này để hạn chế rủi ro xảy ra gây tổn thất cho ngân hàng về tài chính, danh tiếng... Theo đó, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải nghiên cứu giải pháp sớm phát hiện dấu hiệu giao dịch nghi ngờ, gian lận để xử lý; tăng cường thực hiện qua eKYC, phối hợp với Bộ Công an và lưu ý dấu hiệu gian lận... Trong thời gian tới, NHNN ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và sẽ xử lý nghiêm ngân hàng nào thực hiện báo cáo về vấn đề này không nghiêm túc.