Tăng cường quảng bá du lịch qua điện ảnh
Theo Cục Du lịch quốc gia, tại Việt Nam thời gian qua, điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong nước đã tạo được dấu ấn, định hướng thị hiếu, thu hút lượng lớn du khách tới điểm đến, địa danh xuất hiện trong bối cảnh phim.
Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Quý Phương cho rằng, giai đoạn khởi đầu của du lịch Việt Nam có tác động rất lớn từ những bộ phim điện ảnh đến công tác xúc tiến. Điển hình như Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới nhờ phim ảnh từ những năm 1992. So bây giờ, khi mà hạ tầng phát triển tốt, chúng ta cần phải đổi mới công tác quảng bá và rõ ràng chúng ta thấy việc phát huy vai trò của điện ảnh trong quảng bá du lịch đem lại nhiều điều tích cực mà không phải ngành nào kết hợp với du lịch cũng làm được. “Mong muốn chung của những người làm du lịch và điện ảnh là Nhà nước sớm có những ưu đãi cho ngành và các địa phương để tạo ra dịch vụ du lịch và thu lợi không chỉ từ công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ”, ông Phương bày tỏ.
Phim “Hành trình tình yêu của một du khách” với những cảnh quay tuyệt đẹp của Việt Nam |
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, đã có nhiều công ty du lịch khẳng định những chương trình du lịch theo dấu các nhân vật chính của những bộ phim nổi tiếng luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách đam mê điện ảnh. “Những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” được công chúng yêu thích luôn tạo ra tác động mạnh đến hoạt động du lịch, kéo theo sự tăng trưởng bùng nổ cả về lượng khách và doanh thu. Thực tế đã minh chứng, nhiều bộ phim với cốt truyện hay, cảnh quay đẹp, diễn xuất ấn tượng, sau khi được sản xuất và công chiếu đã có ảnh hướng lớn đến sự phát triển du lịch tại nơi được lựa chọn làm bối cảnh của bộ phim”, ông Siêu nói.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cũng cho rằng, Việt Nam được nhiều tạp chí du lịch uy tín và khách du lịch đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm bởi sự phong phú, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa. “Tiềm năng trong việc xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch là rất lớn, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới. Bài học từ các bộ phim “bom tấn” của các hãng phim Hollywood được quay tại Quảng Bình là minh chứng cho sự hiệu quả từ phương pháp quảng bá này”, ông Quý bày tỏ.
Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” sẽ được tổ chức tại Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới, từ ngày 21 - 28/9. Chương trình nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim từ kinh đô điện ảnh thế giới đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. |
Tuy nhiên, để có có thể hấp dẫn các đoàn làm phim tới Việt Nam và biến một số tỉnh thành của nước ta thành phim trường của thế giới thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho rằng, để áp dụng và thực hiện trong các trường hợp khác nhau thì cần có những kế hoạch cụ thể và lâu dài với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng làm đầu mối, triển khai phương thức tiếp cận đúng, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim và cần có những thỏa thuận cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cũng nhấn mạnh đến chế độ và chính sách như thuế, các điều luật liên quan cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển. “Phải có những quy chế phối hợp chiều ngang và chiều dọc, phù hợp cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, với các tổ chức xã hội và các hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch các ngành, cùng các địa phương... nhằm tạo ra sự phù hợp lâu dài, bền vững. Phải có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm đến quảng bá xúc tiến. Cần nghiên cứu các nơi có nền điện ảnh phát triển. Việc học tập và xúc tiến không chỉ dừng ở việc đi đến các trung tâm điện ảnh mà chúng ta cần tổ chức các cuộc xúc tiến điện ảnh ở Việt Nam kết hợp du lịch, lắng nghe để hiểu các đoàn phim xem họ muốn gì”, Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ và thúc đẩy các dự án làm phim điện ảnh trong nước cũng như thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam sản xuất, cần có chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút các đoàn phim vào Việt Nam. “Nếu nhìn sang Thái Lan, một năm họ thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ thì ở Việt Nam, tính đi tính lại tôi thấy vẫn chưa hết hai bàn tay”, bà Lan nói, đồng thời thêm rằng, điều đó chứng tỏ người ta đến quay cảnh Việt Nam nhưng không được ưu đãi, họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philippines hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta sẽ mất nhiều khách hàng.
TS Nguyễn Văn Tình - nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng, có nhiều yếu tố, yêu cầu đối với đơn vị, tổ chức Việt Nam khi cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài, nhưng việc quan trọng đầu tiên là đối tác Việt Nam cần đọc kịch bản trước khi trình bộ hồ sơ xin phép lên Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) theo quy định.