Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho dự án PPP
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo, cho biết rào cản đầu tiên là từ quy định hạn chế về quyền lựa chọn doanh nghiệp thay thế của ngân hàng.
Pháp luật Việt Nam vẫn tiếp cận theo hướng nhà đầu tư (NĐT) tài chính chỉ là bên cấp vốn cho chủ đầu tư PPP mà không phải là một bên của quan hệ đầu tư. NĐT tài chính hiện không có quyền chủ động nhận lại quyền thu phí và chuyển cho một bên khác mà vẫn cần sự đồng ý của cơ quan Nhà nước.
Theo một số ý kiến tham gia khảo sát, nếu quyền này được bảo đảm thì sẽ làm giảm rủi ro đầu tư và có thể thu hút thêm các NĐT khác.
Trên thực tiễn, rất nhiều dự án PPP được triển khai trước khi Luật PPP ra đời, khiến việc tham gia của NĐT tài chính vào quá trình đàm phán hợp đồng PPP vẫn chưa có tính pháp lý chính thức.
Một rào cản khác đến từ việc hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất. Luật Đất đai 2013 có quy định không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các TCTD nước ngoài. Như vậy, nếu các dự án dự định sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng nước ngoài thì ngân hàng sẽ không được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên thực tế, các dự án hạ tầng thì luôn gắn với đất đai, vì vậy, các TCTD nước ngoài sẽ cần nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Hiện nay, Luật Đất đai đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và đây cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau.
Trên thực tiễn, một số hợp đồng PPP đã phải xin Thủ tướng có quyết định riêng cho phép thế chấp quyền sử dụng đất tại TCTD nước ngoài. Đây được coi như một biện pháp bảo đảm đầu tư đối với một số dự án đặc thù.
Ông Minh cho biết trước đây, các hợp đồng PPP giao thông có thể thế chấp quyền thu phí, thế chấp tài sản hình thành từ dự án. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy tài sản này có tính thanh khoản vô cùng thấp, các ngân hàng thương mại có thu hồi cũng khó có thể chuyển nhượng cho bên khác. Do đó, các ngân hàng sẽ yêu cầu chủ đầu tư có thêm các tài sản bảo đảm khác.
Cùng với đó, việc huy động vốn vay nước ngoài cho các dự án PPP cũng không dễ. Báo cáo cho thấy thực tiễn thời gian qua, các ngân hàng trong nước đã cấp vốn rất nhiều cho giao thông nhưng lại hầu như không cấp cho lĩnh vực điện mà đầu tư cho lĩnh vực này chủ yếu do ngân hàng nước ngoài cấp vốn. Các ngân hàng nước ngoài có ưu thế về lãi suất thấp và kinh nghiệm quản trị dự án. Tuy nhiên, việc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ tạo rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của dự án.
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một trong những vấn đề của việc huy động vốn từ nước ngoài, cũng như khả năng hợp tác giữa các ngân hàng. Trong trường hợp dự án lớn, các bên có thể sử dụng biện pháp cho vay hợp vốn từ nhiều ngân hàng để chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, khi đó các ngân hàng nước ngoài sẽ yêu cầu ngân hàng cùng cho vay vốn phải có mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước sẽ bị giới hạn bởi trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Luật Vietthink, cho biết các dự án về năng lượng, năng lượng tái tạo hiện nay tại Việt Nam thường có sự tham gia của NĐT nước ngoài và các ngân hàng, TCTD nước ngoài và đòi hỏi các điều kiện cấp vốn vay đặc thù hơn so với các ngân hàng, TCTD trong nước. Các NĐT thường có nhu cầu được Nhà nước hỗ trợ về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan theo yêu cầu của ngân hàng cấp vốn. Ngoài ra là những cam kết của Nhà nước về việc sẽ hỗ trợ NĐT, đảm bảo phương án tài chính cho NĐT.
Vì vậy để hấp dẫn trong thu hút đầu tư theo phương thức PPP, bà Hà đề xuất: “Có thể cân nhắc bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng dự án trong việc hỗ trợ NĐT, doanh nghiệp dự án các thủ tục thu xếp tài chính và giải ngân vốn cho dự án PPP”.
Trong khi điều 82 Luật PPP quy định cam kết bảo đảm doanh thu tối thiểu đối với dự án PPP theo hình thức BOT, BTO, BOO. Luật cũng quy định rõ “chi phí xử lý cơ chế phân chia nguồn thu hụt từ dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương” tùy theo cấp quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý để xử lý tình huống dự phòng ngân sách không đủ bù chênh lệch về doanh thu. Do đó, NĐT không yên tâm rằng khi gặp khó khăn sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo như hợp đồng đúng hạn. Các TCTD cũng ngại ngần cung cấp vốn vay cho các dự án PPP do những quy định không rõ ràng này.