Tăng năng suất lao động - con đường để tránh tụt hậu cạnh tranh
Tốc độ tăng năng suất lao động đang giảm đi
Đến cuối quý III/2022, lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước; Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%; Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,28%; Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục tăng…
Đó là những con số mà theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động có biểu hiện trở lại bình thường nhanh hơn so với dự báo và rất tích cực bởi cùng khoảng thời gian này đúng một năm trước, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động do Covid là lo ngại lớn được đặt ra.
Báo cáo Vietnam At A Glance tháng 11/2022 của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng nhìn nhận, thị trường lao động Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện.
Song, HSBC cũng nhấn mạnh: “Phục hồi và cải thiện của thị trường lao động rất đáng khích lệ nhưng những kết quả này có được chủ yếu là do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Về lâu dài, trọng tâm cần đặt vào những biện pháp khác nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động Việt Nam nhằm thúc đẩy năng suất lao động và duy trì đà tăng trưởng”.
Lao động không tay nghề hiện nay chiếm khoảng 1/4 tổng số lao động có việc làm |
Thị trường lao động phục hồi, nhanh mạnh mẽ sau dịch là yếu tố rất đáng mừng trong ngắn hạn, nhưng vấn đề đặt ra là năng suất lao động. Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù chuyển đổi số diễn ra khá nhanh trong 3 năm qua nhưng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam lại đang giảm đi trong những năm gần đây.
Chuyên gia này dẫn các số liệu cho thấy: Năm 2019, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,28%; năm 2020 tăng 4,92%; năm 2021 chỉ tăng 4,71% và năm 2022 dự báo tăng khoảng 4%. Đáng chú ý, cùng với xu hướng giảm đó, luôn có sự chênh lệch giữa mục tiêu đặt với thực tế đạt được và con số chênh lệch là khá lớn.
Lo ngại về năng suất lao động không được cải thiện cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại nghị trường Kỳ họp thứ 4 vừa qua. Điều này là thực tế khi năm 2022, có tới 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu duy nhất không đạt chính là tốc độ tăng năng suất lao động.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân tích rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu này để trước mắt có các giải pháp cho năm 2023, cũng như để giải quyết căn cơ bài toán này cho cả chặng đường những năm sắp tới.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), chênh lệch về cung cầu và năng suất lao động có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi lên là trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động; sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành chưa được linh hoạt, hiệu quả trong khắc phục tình trạng mất cân đối lao động, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch giữa ngành, nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường.
Đơn cử, các ngành chế biến chế tạo, công nghệ cao, thương mại điện tử… tạo giá trị gia tăng cao song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20 đến 25%, năng suất lao động thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện nước...
Trong khi đó, tay nghề lao động, kỹ năng số, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề chỉ chiếm 11%, trong khi tỷ lệ lao động giản đơn, trình độ thấp chiếm tới 38% và chỉ có 35% nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức còn lớn, chiếm tới 48% lực lượng lao động…
Không có lý do để “trễ hẹn” chỉ tiêu tăng năng suất lao động 2023
“Việt Nam có thể và có cần đầu tư nâng cao tay nghề cho người lao động hay không? Có chứ, bởi khi các doanh nghiệp nước ngoài đến đây đầu tư, sẽ không chỉ đơn thuần là để sản xuất các mặt hàng như dệt may hay da giày mà còn là các mặt hàng công nghệ cao, điện tử... Vì vậy, Việt Nam sẽ cần thêm lao động có tay nghề, kỹ năng. Cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành giáo dục tạo ra thêm nhiều lao động có tay nghề để nắm bắt cơ hội”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. |
Yêu cầu tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách cần làm ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động chính là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. Tính toán của ILO cho thấy, nếu năng suất lao động tại Việt Nam tăng 1% thì sẽ giúp GDP tăng 0,94%.
“Tăng năng suất lao động là con đường tốt nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta đã có được sự quyết tâm và định hướng chính sách đúng đắn, song cần có giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn để sớm giải quyết những bất cập về năng suất lao động và thị trường lao động”, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh nói.
Năm 2023, chỉ tiêu tăng năng suất lao động được Quốc hội đặt ra ở mức khoảng 5- 6%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chỉ tiêu cần quyết tâm đạt được trong năm nay để tạo đà cho các năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, năm 2023 cần đặt mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động. Đi cùng mục tiêu này là tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh đề xuất, cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia; và quyết tâm hoàn thiện môi trường thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động.
Cùng với đó, cần có các chính sách, giải pháp gắn kết đào tạo với việc làm, bởi việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để có thể có đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành.
Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, giáo dục là vấn đề chính yếu để giúp nâng cao năng suất lao động với lưu ý, cải thiện giáo dục và đầu tư thêm cho nguồn nhân lực đã được nhấn mạnh là một trong những trụ cột trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030.
“Việt Nam đã chuyển dịch đáng kể từ một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thành một trung tâm sản xuất nổi bật. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, cần cân nhắc: Giảm chi phí cơ hội đối với giáo dục phổ thông trung học, mở rộng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục phổ thông trung học và nâng cao chất lượng đào tạo nghề”, báo cáo nêu.
Tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình Quốc gia về tăng năng suất lao động trong tháng 12/2022. Được biết, hiện dự thảo Đề án Chương trình này đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành. Đề án tập trung vào phân tích năng suất lao động theo ngành, vùng, thành phần kinh tế và các nhân tố tác động; các cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến năng suất lao động; nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy năng suất lao động. |