Tăng sức hấp thụ vốn tín dụng là vấn đề quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội thảo |
Thời gian qua, ngành Ngân hàng nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia và đặc biệt là những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội, ngành nghề giải quyết “bài toán” tăng sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn; cuộc cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng lên rất nhanh, kéo dài. Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau dịch Covid-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.
Những diễn biến này đã và đang khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp, mặc dù NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Toàn cảnh Hội thảo |
Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022, mức độ gay gắt đã hơn nhiều. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Đối với NHNN, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN.
Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...
Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm lúc này là vấn đề tín dụng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng nhận thức được trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này. Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào. Lãi suất - yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu vào của doanh nghiệp - được điều hành hài hòa với tỷ giá, nếu không sẽ không tạo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi quốc gia
Do đó, vấn đề điều hành tín dụng đang rất được NHNN quan tâm. Bên cạnh những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức dụng và tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng; hạ lãi suất từ các công cụ vay vốn của các ngân hàng thương mại; các chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam… cũng đã được NHNN triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng; gói 15.000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng.
Vì vậy, mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, ngành hàng, kể cả các ngân hàng thương mại cùng trao đổi để có đánh giá chung về lý do tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng trên tinh thần xây dựng, góp phần giúp NHNN có thêm những giải pháp điều hành bám sát thực tiễn trên cơ sở lý luận “soi đường” để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hấp thu tín dụng.