Tăng trưởng tín dụng đang đẩy nhanh giai đoạn cuối năm, hết tháng 11/2023 tín dụng tăng 9,15%
Tăng trưởng tín dụng phải trông chờ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Ngành Ngân hàng hiến kế giải bài toán tăng khả năng hấp thụ vốn |
Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, đối với lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10/2023: Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,45%, tăng 8,51% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,78%, tăng 20,09% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 18,44% so với cuối năm 2022. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối năm 2022, chiếm 21,04% dư nợ nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Thường trực Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị |
Mức tăng trưởng tín dụng như trên theo đánh giá của các đại biểu tham gia Hội nghị có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ quốc tế song song với những vấn đề nội tại, thì mức tăng trưởng tín dụng trên là nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng.
Thông tin cụ thể hơn về các giải pháp về tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nền kinh tế, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về công tác tín dụng và triển khai thực hiện Thông tư 02, Văn bản số 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023 giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 02; đồng thời, kịp thời tiếp nhận và xử lý trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề...
Kết quả, sau 07 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến ngày 31/10/2023), tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Số dư nợ được cơ cấu nợ tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc về quy định tại Thông tư 02. Theo ý kiến phản hồi của dư luận xã hội cho thấy việc ban hành Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Riêng đối với lĩnh vực BĐS, ngày 24/4/2023, NHNN đã có Văn bản số 2931/NHNN-TD yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS. Trong năm 2023, NHNN cũng đã tổ chức 02 Hội nghị tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, việc triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng; từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Sau 02 Hội nghị, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến, đề xuất của các đại biểu, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN về quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của TCTD, chỉ đạo các TCTD về công tác cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ cho khách hàng trong lĩnh vực BĐS.
Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị tháng 11/2023, NHNN đang xem xét, nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT- NHNN để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Riêng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 03/44 dự án (tại TP.HCM và Hà Nội) là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Ngành Ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng |
Về việc công bố các dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố/gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cho NHNN và Bộ Xây dựng. Phần lớn các địa phương còn lại đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư dự án, chưa công bố danh mục này. Do đó, các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án.
Về phía khách hàng, một số chủ đầu tư đã được TCTD hướng dẫn các thủ tục vay vốn, tuy nhiên chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định. Còn khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng... dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm. Do đó, khách hàng hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm hiện tại.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, tốc độ tín dụng tăng trưởng chậm là tương đối bình thường, vì hầu hết các ngành tăng trưởng thấp. Hai tháng gần đây tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng nhanh hơn do cầu tín dụng đang được cải thiện tích cực.
Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Ở góc độ ngân hàng, khẳng định từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ cố gắng giải ngân hết room tín dụng được cấp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, Lưu Trung Thái đề xuất, để giảm lãi suất dài hạn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ người cho vay khi có nợ xấu. Qua đó đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, giảm chi phí nợ xấu sẽ giảm thêm được giảm lãi suất cho vay. Cách thức này được nhiều nước trong khu vực làm rất triệt để và đạt hiệu quả.