Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi doanh nghiệp FDI đang dùng công nghệ lạc hậu
Báo cáo về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, 5% là công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 80 % là công nghệ trung bình. |
Đây là thông tin đáng chú ý mà các chuyên gia đưa ra tại tại Tọa đàm: "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam", ngày 27/4.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã học hỏi ở những quốc gia đi trước và đã có chiến lược, lộ trình cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như cam kết phải hiện thực hóa bằng những chính sách, kế hoạch, tiêu chí cụ thể.
Mỗi quốc gia đều quan tâm phát triển xanh nhưng phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Hoàn cảnh cụ thể là trình độ phát triển, nguồn lực quốc gia đó, khoa học công nghệ, năng lượng, con người...
Việt Nam cũng đã học hỏi ở những quốc gia đi trước và đã có chiến lược, lộ trình. Và để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh phải hiện thực hóa bằng những chính sách, kế hoạch, tiêu chí cụ thể.
"Chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, chúng ta chưa có chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu ngắn hạn chứ chưa nói đến dài hạn. Lộ trình dài hạn là đến năm 2050 như Thủ tướng đã cam kết tại COP26, vậy trung hạn thế nào, ngắn hạn từng năm ra sao, chúng ta phải có lộ trình cụ thể để đạt được những kết quả nhất định", ông Toàn nhìn nhận.
Ông Toàn lấy con số dẫn chứng, nếu tổng kết trước năm 2021 (lũy kế), báo cáo về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, 5% là công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 80 % là công nghệ trung bình. Đây là con số đáng báo động. Đấy là chỉ số lũy tiến từ thời chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và thậm chí chưa quan tâm nhiều đến môi trường; thu hút nước ngoài chỉ cần vốn, giải quyết lao động, chỉ cần có xuất khẩu…
Ông Toàn cho rằng, dù Việt Nam đã cam kết rất nhiều về tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ về hợp tác xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; gia nhập nhiều hiệp định, hiệp ước và hợp tác và mới nhất là chiến lược giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050… Nhưng, từ chính sách đến thực tiễn còn một khoảng cách rất lớn.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), thách thức lớn cho tăng trưởng xanh, bền vững là nguồn lực tài chính xanh, con người. Chính vì vậy, Việt Nam muốn huy động được nước ngoài tham gia quá trình này thì phải có chiến lược, quy định thế nào để đáp ứng được khoản đầu tư xanh.
"Cuộc đua tăng trưởng xanh đang âm ỉ, kéo dài 2-3 thập kỷ của nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, sau khi họ trả giá tăng trưởng bằng mọi giá thì họ đã đầu tư vào công nghệ xanh, tài chính xanh và gặt hái được nhiều hiệu quả kinh ngạc. Đây là vấn đề Việt Nam cần học tập và gia nhập cuộc đua này", ông Vinh nói.
Theo đại diện VCCI, ngày nay, trong bối cảnh khó lường mà chúng ta không đoán định được trước, việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh của chúng ta càng khó khăn hơn, nhất là chúng ta không phải nước giàu, chỉ là một nước đang phát triển.
"Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh", ông Vinh nói.
Là người hỗ trợ doanh nghiệp làm về phát triển bền vững từ 20 năm nay, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, nhận thức của các doanh nghiệp gần đây đã cải thiện và thay đổi đáng kể, kể cả các các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng phải chú trọng.
Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng không hẳn toàn bộ là các tập đoàn lớn, đôi khi là những doanh nghiệp vừa phải nên nếu họ thấy rằng chúng ta không cam kết về những tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật thì họ sẽ mua công nghệ rẻ. Cái đó rất quan trọng.
“Một điểm nữa khó khăn cho doanh nghiệp chính là nguồn tài chính xanh. Nguồn lực ở đây ngoài nguồn lực con người, còn tài lực nữa. Chúng ta đang đứng trước cơ hội được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính xanh, chúng ta phải có những doanh nghiệp xanh.’- ông Vinh nhấn mạnh.
Hiện tại Bộ TN&MT cùng Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan đang phối hợp để đưa ra quy định về thế nào là doanh nghiệp xanh để đáp ứng được những khoản tài chính xanh, đầu tư xanh cho doanh nghiệp. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Về vấn đề tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, chúng ta có hai việc trong thời gian tới phải làm rất triệt để. Muốn tăng trưởng xanh thì phải giải quyết tăng trưởng xanh từ khâu sản xuất, lưu thông và tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng. Chúng ta phải làm đồng bộ tất cả thì xã hội mới tăng trưởng xanh được, nếu chúng ta chỉ làm một khâu thì sẽ đứt gãy chuỗi. Cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn, mới có việc xử lý các vấn đề chung.
“Ở đây lại quay lại câu chuyện hành động quốc gia, Chính phủ đã có những chính sách rất tốt, nhưng vấn đề là vận hành. Chúng ta phải có kế hoạch vận hành từ tỉnh, huyện, xã và kế hoạch vận hành từ doanh nghiệp’- ông Toàn nhấn mạnh.