Tăng trưởng xanh là hướng đi tất yếu
Toàn cảnh Hội thảo |
Hướng tới nền kinh tế xanh
Tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" do trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức ngày 22/11/2023, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết, hiện nay Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, là cơ hội lớn để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng cường khả năng chống chọi với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu, qua đó phát triển bền vững.
PGS. TS. Trần Đình Thiên phát biểu |
Chính phủ Việt nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy cũng như huy động các nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt ngay trước thềm COP26 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải nhà kính và hành động khí hậu. Điều này tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về NetZero của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 (Glasgow, tháng 11/2021). Theo TS. Trần Đình Thiên, để thực hiện được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050, trong đó có xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh; Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh...
Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. Trong khoảng 15 năm phát triển, tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Trên bình diện toàn cầu cũng cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của công trình xanh và trong thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không. Theo đó, để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, ngành xây dựng cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Đồng thời, cần các chính sách phù hợp cho phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh; Đẩy mạnh việc tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...
Các doanh nghiệp chia sẻ về chuyển đổi xanh |
Doanh nghiệp nỗ lực dịch chuyển xanh
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group) cho biết, du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Bà lấy dẫn chứng từ điển hình thành công của Quảng Ninh – vốn được ví là “Việt Nam thu nhỏ”. Cụ thể, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình trọng điểm, tạo lực đẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tăng tốc. Nhờ đó, chỉ trong vòng 5 năm (2013 - 2018), Quảng Ninh thu hút 100 dự án với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng. Tỉnh lựa chọn thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch làm "đôi cánh" mạnh mẽ góp phần chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” và đã hái trái ngọt với đà tăng trưởng du lịch ngoạn mục.
"Chọn du lịch làm lĩnh vực đầu tư chiến lược, Sun Group kiên định theo đuổi triết lí về sự hài hòa, xem đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Theo đó, Sun Group luôn đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng; giữa phát triển với bảo tồn, tôn trọng các giá trị của thiên nhiên, con người và hướng tới sự hài lòng tối đa của khách hàng", bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Là một tổ chức tín dụng, những năm qua HDBank luôn quan tâm và cấp vốn cho rất nhiều dự án xanh. Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank, ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đều rất ủng hộ và tạo điều kiện về vốn cũng như triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Hiện HBBank đã có các quy định, quy trình, cơ chế, thậm chí "may đo" các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh. Tại Việt Nam, đây là một trong những ngân hàng đầu tiên ban hành chính sách về cấp tín dụng xanh và bảo vệ môi trường-xã hội; sớm tổ chức đào tạo chuyên sâu về thẩm định rủi ro môi trường-xã hội trong quy trình cấp tín dụng và tư vấn chuyển đổi xanh cho khách hàng. Đến nay, HDBank đã trở thành một trong những NHTM hàng đầu về thúc đẩy nguồn lực cho tín dụng xanh tại Việt Nam, với quy mô giải ngân đạt trên 11.000 tỷ đồng trong năm 2022. Trong năm 2023, lượng vốn giải ngân từ HDBank cho các dự án chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ… đã đạt trên 1 tỷ USD, vượt mức cam kết với các nhà tài trợ quốc tế....
Câu chuyện chuyển đổi xanh của doanh nghiệp |
Ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã tiên phong trong việc không sử dụng bao bì nilon hoặc dùng nilong tự phân huỷ. Một số doanh nghiệp như Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã đầu tư khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, phục vụ tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới.
Mạch nguồn về phát triển xanh, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam đang lan tỏa. Với sự đồng lòng của các doanh nghiệp và toàn xã hội, một nền kinh tế xanh, một Việt Nam xanh vững bước tới Net Zero sẽ sớm được hiện thực hóa.