Tạo cú hích cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội
Thêm 3 dự án nhà ở xã hội, tổng quy mô hơn 3.500 căn hộ Gỡ cơ chế để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “thoát ế” Tạo cơ chế cho nhà ở xã hội |
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp. Đơn cử, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại Nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.
Tiếp đó, ngày 03/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Theo Đề án, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Đề án là cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội.
Ngày 10/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN Việt Nam đã triển khai đồng bộ, khẩn trương các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ngay từ đầu năm 2023, ngành ngân hàng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng như đảm bảo thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm; điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN; chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN); điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Với chính sách hỗ trợ này sẽ tác động tích cực đến việc cho vay các dự án nhà ở xã hội của TCTD |
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…), các hội nghị tín dụng vùng nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...
Ngoài ra, NHNN cũng tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, NHNN đã chỉ đạo việc khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.
Qua rà soát, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN chỉ có quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cho vay thế chấp nhà mà chưa có quy định hệ số rủi ro riêng cho các khoản phải đòi là khoản cho vay mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án được Chính phủ hỗ trợ, NHNN đã ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư 22/2023/TT-NHNN đã quy định hệ số rủi ro đối với khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
Thông tư mới cũng quy định hệ số rủi ro tín dụng áp dụng cho khoản cho vay thế chấp mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ từ 20%-50% thấp hơn nhiều so với hệ số rủi ro tín dụng đối với khoản vay thế chấp thông thường là 25%-100%.
Như vậy, với nội dung sửa đổi này được kỳ vọng khuyến khích các TCTD đẩy mạnh phát triển cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Với chính sách hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc cho vay của TCTD đối với khách hàng cá nhân là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.