Tạo điều kiện để cung - cầu vốn gặp nhau
Khi cung - cầu vốn gặp nhau, dòng tiền chảy đúng chỗ Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, NHNN thành phố phối hợp với UBND quận, huyện tổ chức chương trình kết nối theo mô hình cụm và khu vực. Mô hình này có 3 ưu điểm: Thứ nhất là cùng một lúc hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng. Thứ hai là mô hình tổ chức theo cụm sẽ tiết kiệm chi phí thời gian tổ chức các hội nghị kết nối. Thứ ba, các hội nghị này sẽ kết nối thành nhiều đầu mối tham gia, giúp cho việc truyền thông chính sách đến người dân, doanh nghiệp; phổ biến những thông tin về chủ trương chính sách, các gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất (như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ, các gói tín dụng ưu đãi, chính sách miễn, giảm phí... của các TCTD), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận chính sách thuận lợi.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tổ chức 25 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị này 20 thương hiệu ngân hàng đã ký kết nhiều gói tín dụng và hiện đã giải ngân 453.070 tỷ đồng, đạt 100,89% khối lượng mà các TCTD đã đăng ký từ đầu năm, qua đó trực tiếp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn.
Nhân viên ngân hàng giới thiệu các sản phẩm thanh toán và cho vay mới |
Đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 9 này, NHNN Việt Nam đã có văn bản 6936/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN Việt Nam đã yêu cầu NHNN tỉnh, thành phố mời lãnh đạo địa phương tham gia vào các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác địa phương do Giám đốc NHNN tỉnh thành phố trực tiếp làm tổ trưởng, thành viên là các sở, ngành địa phương để làm việc với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn nắm bắt khó khăn và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến tiếp cận, hấp thụ vốn. Các TCTD được chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm từ 1,5-2%) đối với khoản vay mới và dư nợ hiện hữu để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, NHNN khuyến khích các TCTD chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng. Song song đó, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng, trên cơ sở tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh chuyên môn hóa các quy trình cho vay, ứng dụng công nghệ để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn, đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng. NHNN Việt Nam cũng chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản theo hướng TCTD chủ động tiếp cận người có nhu cầu vay vốn phục vụ khai thác, nuôi trồng chế biến bảo quản, thu mua tiêu thụ lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng dành nguồn lực của mình tham gia cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư dự án, người mua nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, những tháng cuối năm là dịp cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao, do đó càng cần tạo điều kiện cho ngân hàng – doanh nghiệp gặp gỡ để cung - cầu vốn gặp nhau. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm về mức ngang bằng với trước khi dịch Covid-19, độ trễ của thời gian giảm lãi suất đầu vào đã đến điểm rơi là yếu tố quan trọng để các TCTD giảm mạnh lãi suất cho vay.