Tạo động lực phục hồi tăng trưởng từ trái phiếu doanh nghiệp
“Các chuyên gia dự báo kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11, tổ chức cuối tuần qua (15/7).
Dự báo trên được chú ý, khi tăng trưởng kinh tế TP.HCM vừa có dấu hiệu phục hồi và nhìn về triển vọng những năm tới, nhưng thực tại và phía trước tăng trưởng chung của nền kinh tế còn nhiều thử thách.
Ngay với năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% đang đặt ra những áp lực lớn. Để đạt mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật hai kịch bản đáng chú ý. Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6%, 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Kịch bản 2, để GDP đạt tăng 6,5%, 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9%.
Có nhiều động lực cần phải thúc đẩy để có thể ứng được hai kịch bản trên, cũng như cho triển vọng những năm tới như Chủ tịch UBND TP.HCM gợi mở. Trong đó, động lực về nguồn vốn luôn đóng vai trò hàng đầu.
Chọn lọc từ động lực TPDN
Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng dựa nhiều vào đòn bẩy tín dụng. Theo cập nhật của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ trong năm 2022 tỷ lệ tín dụng trên GDP đã lên tới 124%, thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới. Cũng lưu ý rằng, mẫu số GDP những năm gần đây đã được mở rộng qua đánh giá lại.
Từ năm 2019, gánh nặng tăng trưởng tín dụng đã được chia sẻ bởi sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song, thị trường còn khá non trẻ này tại Việt Nam đã bộc lộ những bất cập, rơi vào khó khăn từ nửa cuối năm 2022 đến nay và từng bước tái cơ cấu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến hết quý 2/2023, dư nợ TPDN chỉ chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế; quy mô động lực này đã suy giảm từ gần 15% cuối năm trước xuống chỉ còn khoảng 11,79% GDP, rất thấp so với các nước trong khu vực (như Thái Lan đạt 26,1%; Malaysia đạt tới 53,6%...).
Một lần nữa yêu cầu phát triển thị trường TPDN được đặt ra, để “chia lửa” cho đòn bẩy tín dụng truyền thống đã quá cao, dẫn nguồn vốn đặc thù cho doanh nghiệp; để thiết lập những kênh đầu tư chuyên nghiệp như các thị trường phát triển.
Khác với giai đoạn trước, yêu cầu trên đến nay đã có tính chọn lọc cao hơn, để lành mạnh, hiệu quả và phát triển bền vững hơn.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước ngày 15/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ hướng chọn lọc đó.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải phân biệt giữa TPDN phát hành bởi các NHTM và các định chế tài chính với các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Bước đầu có tín hiệu tích cực
Yêu cầu tăng tính chọn lọc trên thị trường TPDN cũng được các chuyên gia đặt ra, sau những biến động từ cuối năm 2023 đến nay.
Tại một tọa đàm chuyên đề vừa qua, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu thực tế rằng, khi có những phát sinh và thị trường khó khăn, tâm lý thị trường thận trọng khiến chính các doanh nghiệp tốt cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Khó khăn thứ nhất, là huy động của phát hành trái phiếu mới giảm đi. Thậm chí nhiều doanh nghiệp năng lực khá tốt nhưng vì tâm lý của nhà đầu tư mà phát hành giảm sút”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu, và cũng đó là nhiều khoản trái phiếu chưa đến hạn đáo hạn mà nhà đầu tư đã muốn rút cũng gây bất lợi cho những doanh nghiệp tốt và trái phiếu đang tốt.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), với những doanh nghiệp tốt, với TPDN tốt thì khi một đồng được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh, rất thần kỳ.
“Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Chúng ta phải biến những thách thức thành cơ hội để những ý chí, quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống trái phiếu trở thành đẳng cấp thế giới trong thời gian tới”, TS. Khương nhấn mạnh.
Thực tế trên thị trường TPDN giai đoạn vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp tốt, uy tín và tự tin vẫn thực hiện các đợt huy động mới thành công. Đây cũng chính là những bước tái khởi động qua chọn lọc, sau quãng gần như không có hoạt động phát hành mới từ cuối năm 2022 đến tháng 3/2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, sau khi Chính phủ nhanh chóng vào cuộc xử lý những bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt với việc ban hành Nghị định 08 ngày 5/3/3023, thị trường TPDN đã có những dấu hiệu tích cực.
Chỉ hơn hai tháng sau khi có Nghị định 08, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ đồng TPDN. Hoạt động phát hành mới tiếp tục thể hiện cho đến nay. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với nhà đầu tư để xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn.
“Với những quy định mới của Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả bước đầu rất tích cực. Trong thời gian tới, thị trường TPDN sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá tại cuộc tọa đàm trên.
Qua sự chọn lọc sau những biến động, hướng phục hồi và đi lên đó mở ra kỳ vọng thị trường TPDN Việt Nam sẽ từng bước trở lại lành mạnh, hiệu quả và bền vững hơn, qua đó tiếp tục phát huy vai trò là một động lực góp sức cho phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế.