Tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế tuần hoàn
Cần chính sách để khuyến khích các NHTM tham gia sâu rộng hơn vào việc phát triển cung cấp tín dụng xanh, KTTH |
TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng trái phiếu xanh và tín dụng xanh trên toàn thế giới có xu hướng tăng mạnh khi các nhà đầu tư, NHTM đang tích cực chuyển dịch dòng vốn đầu từ sang khu vực này, khiến nó tăng mạnh từ 77,7 tỷ USD vào năm 2013 đã tăng lên 533,6 vào năm 2019; 745,4 tỷ USD vào năm 2020 và 1.478,6 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, lượng tín dụng xanh vẫn khá nhỏ với dư nợ giai đoạn 2017 - 2022 dù đã tăng từ 180,12 ngàn tỷ đồng năm 2017 lên 449,88 ngàn tỷ đồng vào thời điểm tháng 3/2022, song vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. Hơn thế, trong khi một nửa tín chỉ xanh được cấp cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì các lĩnh vực tuần hoàn tiềm năng khác như nước và chất thải, lại chỉ chiếm chưa đến 10%, đặc biệt là thiếu đầu tư tuần hoàn về xử lý chất thải. “Đây là điều mà các nhà hoạch định cần nhìn lại để có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như các TCTD có những định hướng và cách tiếp cận tín dụng mới để vừa tăng về mặt số lượng, vừa thay đổi về mặt cơ cấu dòng tài chính đầu tư tại Việt Nam”, ông Mạnh khuyến nghị. Hơn nữa, mặc dù giá trị trái phiếu xanh tăng đáng kể từ năm 2019, nhưng chúng ta chưa cải thiện được khả năng tiếp cận các ưu đãi đặc biệt cho người dân và tổ chức, thiết kế các công cụ tài chính mới và các công cụ bảo lãnh cho vay để mở rộng quy mô tài chính tuần hoàn. Ông cũng cho biết, hiện các NHTM vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp tín dụng xanh ra thị trường và nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách để khuyến khích các NHTM tham gia sâu rộng hơn vào việc phát triển cung cấp tín dụng xanh, KTTH.
Nhìn nhận chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là cơ hội lớn cho Việt Nam, ông Jan Raes, Trưởng nhóm Tài chính và Nhựa của Sáng kiến tài chính Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP FI) khuyến nghị 5 động lực chính để tăng khối lượng vốn đầu tư KTTH. Trong đó, quan trọng nhất là cần xây dựng một chính sách kinh tế tuần hoàn ở mức độ quốc gia để kiến tạo môi trường thân thiện với việc đầu tư vào KTTH và tăng trưởng vốn đầu tư cho các sáng kiến. Ông nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống chính sách thu hút tài chính vào KTTH.
Đặc biệt, việc thiết kế hệ thống phân loại các dự án, mô hình doanh nghiệp tuần hoàn được xem là động lực thứ 2 giúp mở khóa các điểm nghẽn đầu tư và giúp giám sát, đo lường các bên tham gia thị trường kinh doanh tuần hoàn một cách bền vững. Bởi, điều này sẽ giúp nhà đầu tư có thể xác định được mô hình KTTH của họ sẽ sản xuất như thế nào, đầu tư ra sao.
Động lực thứ 3 là vừa chuyển đổi vừa tạo việc làm, trong đó ông đưa ra khuyến nghị xem xét chuyển những người nhặt rác phi chính thức sang chính thức, mở ra cơ hội cho các công ty tài chính phi chính thức (như cơ sở thu mua phế liệu) chuyên nghiệp hóa việc tham gia vào quá trình đấu thầu và cấp cho họ quyền tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tài chính (phát triển) của KTTH.
Cùng với đó là hợp tác công tư, cần phải tìm đối tác tài chính tư nhân để họ thực hiện những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực tài chính KTTH. Tài trợ KTTH khu vực tư nhân thường dựa vào cách giảm thiểu, chia sẻ rủi ro bằng chính sách tài chính công đặc biệt.
Động lực thứ 5 là tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Trong đó cần tiêu chuẩn hóa các công cụ tài chính kích thích KTTH, chẳng hạn như thông qua báo cáo hiệu suất sản phẩm tài chính trên các chỉ số khác nhau; tránh sử dụng tài nguyên và tránh lãng phí; tránh phát thải vào không khí, đất nước; vật liệu thứ cấp được sử dụng; giảm tuyệt đối hoặc phần trăm ô nhiễm… Các tiêu chuẩn này phải được đọc hiểu trên toàn cầu thì mới có thể tham gia thị trường, hỗ trợ một cách tích cực bền vững. Các công cụ tài chính phải được xác minh bởi quy trình thống nhất giữa các bên.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai KTTH, ông Surajit Rakshit, Giám đốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của HSBC Việt Nam khuyến nghị, bổ sung phân loại những thách thức theo mức độ cấp bách trong kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn đang xây dựng trình Thủ tướng ban hành trước ngày 31/12/2023. Ông cũng cho biết, các cam kết đóng góp của HSBC trong việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu phát thải ròng bằng không với các gói giải pháp tài chính bền vững. HSBC cam kết đầu tư cho Việt Nam 12 tỷ USD để phát triển KTTH và hiện đã triển khai một số giao dịch xanh với các công ty tái chế, nhà sản xuất Việt Nam.