Tạo động lực xây dựng thương hiệu quốc gia thêm mạnh
Tốc độ tăng trưởng thương hiệu nhanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định, xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn. Tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Nhiều thương hiệu doanh nghiệp mạnh, có giá trị cao sẽ nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam |
Mục tiêu đang dần trở thành hiện thực khi những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Theo Brand Finance, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022. Trong Bảng đánh giá Top 121 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của tổ chức này, năm 2023 thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121.
Để có thương hiệu quốc gia mạnh rất cần những doanh nghiệp thương hiệu lớn. Chẳng hạn như Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023” (Global 500) và đứng ở vị trí 234. Ngoài ra, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực. Hay Vinamilk tiếp tục duy trì thứ hạng 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có giá trị thương hiệu tăng vượt bậc thêm 43%, đạt 1,9 tỷ USD… Xét về ngành hàng, Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế như hạt tiêu đứng thứ 1; gạo, cà-phê, sắn đứng thứ 2; thủy sản đứng thứ 5…
Xây dựng thương hiệu từ doanh nghiệp, địa phương
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo các chuyên gia, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế; một số doanh nghiệp chưa nhận thức hết về sứ mệnh xây dựng thương hiệu quốc gia nên chưa quan tâm đầu tư đúng mức; công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, còn ít xuất hiện logo thương hiệu có giá trị cao.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thừa nhận, chưa nói đến thương hiệu quốc gia, việc xây dựng, định vị thương hiệu cho riêng sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế đã là một bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, cùng với việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để xây dựng được thương hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải hiểu được văn hóa tiêu dùng, đầu tư công nghệ sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đều đang khó khăn vốn, nhân lực chất lượng, am hiểu thị trường.
Một chuyên gia nhìn nhận, thương hiệu quốc gia tăng vị trí xếp hạng không đồng nghĩa với việc sẽ mãi là điểm sáng. Do vậy, cần thêm nhiều giải pháp để tiếp tục tạo động lực xây dựng thương hiệu quốc gia thêm mạnh trong thời gian tới. Trong đó, cần tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam; Xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu từ trung ương đến địa phương, tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, sẽ góp phần từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra khuyến nghị, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững. Muốn không bị loại khỏi “cuộc chơi”, việc xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” trở nên rất quan trọng và cần thiết. Nếu xây dựng tốt sẽ là một cơ hội để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Để làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có được sự chuẩn bị rất kỹ càng cũng như lồng ghép được những ứng dụng mang tính đổi mới sáng tạo, đi theo các hướng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến máy móc thiết bị, đến sản phẩm và quy trình kinh doanh là thân thiện với môi trường...