Tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp OTT
Không gian mạng là nơi kết nối hạ tầng công nghệ thông tin (gồm mạng viễn thông, mạng Internet, hệ thống xử lý và cơ sở dữ liệu). Số liệu tổng quan về không gian mạng Việt Nam cho thấy có tới 95% mạng xã hội do các công ty nước ngoài sở hữu (Facebook, YouTube, TikTok, Instagram), 98% công cụ tìm kiếm do nước ngoài sở hữu (Google, Bing), 80% thị phần dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới (Netflix, Apple TV, Disney Plus, WeTV, iflix, MangoTV, GagaOOLala...).
Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), có tới 80% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Facebook, Google, TikTok, với doanh số hàng năm xấp xỉ 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam vẫn đang vất vả tìm cách tăng doanh thu từ nội dung số bằng cách bán phá giá các gói nội dung video, truyền hình.
Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON cho rằng, các công ty nội dung truyền hình và phim truyện xuyên biên giới đang thoải mái khai thác thị trường Việt Nam mà chưa phải chịu bất cứ hình thức kiểm soát nào về nội dung và điều kiện kinh doanh khác. Các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới này tự do thu tiền thuê bao qua Internet mà không hề đóng thuế.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp OTT tư nhân trong nước như VieON, FPTPlay, Galaxy, ClipTV… đang phải đối mặt với “tứ bề khó khăn” cùng lúc đang bị doanh nghiệp xuyên biên giới cạnh tranh khốc liệt, đồng thời đang phải tuân thủ các quy định của nhà nước về cung cấp dịch vụ, chịu sự kiểm duyệt cả nội dung và các quy định quản lý. Nội dung phát trên các nền tảng OTT của doanh nghiệp Việt Nam nhập về đều phải đi qua con đường nhập khẩu văn hóa phẩm ủy thác của đài truyền hình, dưới sự kiểm duyệt của đài truyền hình trước khi phát sóng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, đã đến lúc bắt buộc phải thực hiện “tiền kiểm” (kiểm soát nội dung trước khi cung cấp lên các nền tảng số), không thể chỉ “hậu kiểm”. Với thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới đang cung cấp các nội dung không hề được tiền kiểm, đẩy sức ép rất lớn lên khâu hậu kiểm và xử lý, với nhiều hệ lụy về văn hóa, tư tưởng. Đồng nghĩa các doanh nghiệp OTT trong nước thiếu sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới. Lợi ích từ quảng cáo - nguồn tài chính quan trọng cho ngành công nghiệp nội dung Việt Nam vì thế tiếp tục chảy vào túi các doanh nghiệp OTT ngoại.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật của các công ty xuyên biên giới. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực kiểm soát truyền thông nhưng còn nhiều vấn đề trong không gian mạng chưa thực sự làm chủ được. Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới.
Với một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Tiềm năng sáng tạo và dư địa phát triển cho một thị trường báo chí và nội dung số của người Việt là vô cùng lớn, Việt Nam có khá đủ các luật lệ để quản lý và thúc đẩy phát triển báo chí và thị trường nội dung giải trí.
Để đảm bảo bình đẳng hơn với các doanh nghiệp OTT trong nước, yêu cầu bắt buộc phải thông qua tiền kiểm nội dung đúng với quy định của Luật Báo chí và các nghị định chuyên ngành về lĩnh vực phát thanh truyền hình, song song với hậu kiểm theo chuyên đề.
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đề xuất, muốn xử lý các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới sai phạm, thì nhất thiết các đơn vị OTT nước ngoài khi vào Việt Nam phải làm thủ tục đăng ký cấp phép theo quy định giống như các đơn vị OTT trong nước. Nếu sau khi cấp phép mà vi phạm thì thực hiện quy định mức xử phạt bằng tiền thật nặng hoặc rút giấy phép.