Tạo nhiều ưu đãi để hút vốn ngoại
Khu kinh tế, khu công nghiệp chưa hút vốn ngoại Cuộc đua hút vốn ngoại sẽ sôi động |
Thực vậy, trong 8 tháng đầu năm, thành phố có 194 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký thì lĩnh vực khoa học công nghệ có 50 dự án, vốn đăng ký tăng 290 triệu USD, chiếm gần 50% vốn đăng ký điều chỉnh. Điều này cũng phù hợp với định hướng của thành phố trong thời gian tới là thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Theo đó, trong danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có các lĩnh vực: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, thành phố còn ưu tiên thu hút vốn trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.
Song song đó, với Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra những ưu đãi về hải quan, về thuế… đối với nhà đầu tư chiến lược và danh mục ngành nghề ưu tiên.
TP. Hồ Chí Minh nỗ lực thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn trở lại vị trí dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh cần thay đổi cách tiếp cận các nguồn vốn như Nghị quyết 98 đã đề cập, cần có những chính sách để minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính. Đồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số... cũng hỗ trợ tốt cho mục tiêu thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Về cơ hội thu hút vốn ngoại, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, thành phố vẫn còn nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới. Dự kiến đến hết năm 2023, các Khu chế xuất và Khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư. Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như có vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng kết nối với khu vực và quốc tế, môi trường đầu tư cởi mở, chính quyền thành phố luôn đồng hành với nhà đầu tư...
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng. Dù vậy, ở những địa phương phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất công nghiệp còn rất hạn chế; các chi phí, khó khăn khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động mới, cấp lại giấy phép... cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Trên cơ sở những chính sách cởi mở của Nghị quyết 98 áp dụng cho TP.Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, thành phố cần linh hoạt thay đổi chính sách thu hút FDI phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất và cần chuẩn bị bằng những dự án cụ thể. Đồng thời, có chính sách phù hợp tạo điều kiện, lợi thế cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh từ ngày 1/1/2024, Việt Nam phải thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu theo cam kết. Khi đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu 15%.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng từ nhiều năm nay phụ thuộc lớn vào đầu tư nước ngoài. Do đó, rất cần bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi một cách lâu dài cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.