Tạo thuận lợi cho các TCTD trong cho vay đối với khách hàng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết hoạt động cho vay là hoạt động chính của các TCTD. Trước đây, hoạt động cho vay được thực hiện theo Thông tư số 39, các TCTD chủ động đưa ra các điều kiện cho vay, phù hợp với đặc thù nhóm khách hàng của mình, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động cho vay…
Qua thực tiễn triển khai trong 7 năm qua, về cơ bản những quy định, hướng dẫn trong hoạt động cho vay của Thông tư số 39 tương đối đầy đủ. Để tiếp nối tinh thần của Thông tư số 39 trong điều kiện mới, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, những yêu cầu quản lý nhà nước và thị trường, NHNN đã ban hành Thông tư 06.
Việc ban hành Thông tư 06 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng cho phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật liên quan; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với định hướng, chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Ngân hàng, qua đó góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường.
“Thông tư 06 có nhiều quy định quan trọng khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập cho các TCTD trong hoạt động cho vay trong thời gian qua; bảo đảm quyền lợi của người vay; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của các TCTD; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp xu hướng phát triển của thị trường, chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và ngành Ngân hàng; đồng thời, nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD…”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.
Trình bày một số nội dung chính của Thông tư 06, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số quy định về phương án sử dụng vốn (điểm c khoản 6 Điều 2); những nhu cầu vốn TCTD không được cho vay (Điều 8); đồng tiền trả nợ (khoản 2 Điều 11); lãi suất cho vay (khoản 2 Điều 13); Thứ tự thu nợ gốc và lãi tiền vay (khoản 4 Điều 18); quy định nội bộ về cho vay (Điều 22), trong đó có bao gồm cho vay bằng phương tiện điện tử; thỏa thuận cho vay (điểm b khoản 4 Điều 23), kiểm tra sử dụng tiền vay (khoản 2 Điều 24); bổ sung quy định về trách nhiệm của TCTD và quy định cho vay bằng phương tiện điện tử…
Toàn cảnh Hội nghị |
Chỉ còn 1 tháng nữa Thông tư 06 được NHNN ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai quy định mới, đại diện các TCTD cũng đưa ra một số ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng mong muốn NHNN quy định rõ hơn các trường hợp không được cho vay, ví dụ như các công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh hợp pháp, thực hiện đầu tư giấy tờ có giá như mua chứng chỉ tiền gửi sơ cấp và thứ cấp; ngân hàng cho vay bù đắp tài chính và giải ngân vào tài khoản cá nhân của khách hàng, số tiền khách hàng vay chưa dùng hết có phải trả lãi không…
Đứng về phía người vay, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, trong quá trình thu thập hồ sơ, khách hàng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị trong khi nhu cầu vốn đang rất cần thiết nên khách hàng phải xoay xở từ bên ngoài để chi trả trước, sau đó mới lấy tiền được ngân hàng giải ngân để trả. Do đó, ngân hàng mong muốn cần thống nhất thời điểm giải ngân để phù hợp với thực tiễn trong hoạt động cho vay của ngân hàng…
Với đặc thù của nhóm khách hàng vay tiêu dùng, đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCom) cho biết các công ty tài chính chỉ giải ngân khoản vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng/khách hàng, hầu hết khách hàng sử dụng vốn vay để phục vụ tiêu dùng, chi tiêu trong gia đình, thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Việc chuyển khoản cho bên thứ 3 để chuyển cho bên thụ hưởng với hạn mức nhỏ sẽ rất khó cho khách hàng trong thanh toán và đáp ứng được nhu cầu trong đời sống. Hơn nữa, theo chia sẻ của một số TCTD, có đến 80-90% khách hàng đã chuyển sang sử dụng ngân hàng trên môi trường điện tử nên cần làm rõ khi nào giải ngân trực tiếp, khi nào giải ngân trực tuyến.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Pháp chế đã trực tiếp giải đáp một số đề xuất, kiến nghị và cho biết sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể với một số trường hợp của các TCTD. Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tổng hợp các câu hỏi của các TCTD và tổ chức các buổi làm việc tại các chi nhánh NHNN để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình triển khai, giúp các TCTD cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.