Tạo thuận lợi về hải quan để "đầu tàu" kinh tế phát triển
Việt Nam góp phần thúc đẩy hội nhập hải quan khu vực ASEAN Doanh nghiệp EU sẵn sàng hỗ trợ Hải quan Việt Nam đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp Mở rộng quy mô Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong buổi làm việc tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh |
Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6%, (tương ứng tăng 44,56 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Về cán cân thương mại 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu khoảng 8 tỷ USD.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/5/2024 đạt 46,84 tỷ USD (chiếm 15,33% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước), tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng tương ứng 1,52 tỷ USD). Kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/5/2024 đạt 14,84 tỷ USD, tăng 5,27% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng tương ứng 0,74 tỷ USD).
Tương ứng với đó, số thu ngân sách nhà nước của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm đạt 165.696 tỷ đồng, đạt 44,2% dự toán được giao (375.000 tỷ đồng), tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế số thu ngân sách nhà nước từ đầu năm tới 11/6/2024 của Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh đạt 53.130,1 tỷ đồng, bằng 40,62% dự toán Pháp lệnh được giao (130.800 tỷ đồng) và giảm 6,69% (tương đương giảm tuyệt đối 3.812,0 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 56.942,0 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1/3 số thu toàn ngành Hải quan. Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có luỹ kế số thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 34,22%; Thanh Hóa tăng 24,78%; Quảng Ninh tăng 26,51%. Tuy nhiên, số thu từ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh lại giảm.
“Mặc dù là địa phương giảm sâu nhất cả nước nhưng tốc độ giảm số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ tháng trước (từ -11,84% lên -5,51%) cho thấy sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong toàn đơn vị đã tổ chức, triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024”, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết.
Đánh giá nguyên nhân làm giảm số thu, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng, về cơ cấu số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, riêng 3 mặt hàng ô tô, xăng dầu, sắt thép chiếm tỷ trọng lớn gần 35% trong tổng số thu ngân sách nhà nước. Do đó sự biến động của các nguồn thu này sẽ tác động rất lớn đến số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó là tác động của chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Năm 2024 các hiệp định thương mại tự do FTAs tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA tiếp tục có mức thuế suất bình quân giản đơn giảm mạnh: EVFTA/UKVFTA từ 4,7% về 3,5%, CPTTP 2,1% về 1,7%. Việc hạ tầng cơ sở logistics chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến quá trình bảo quản, lưu thông hàng hoá và tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm thu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao và ghi nhận thành tích đã đạt được của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. “Các đồng chí đã giữ được truyền thống, tinh thần đoàn kết của ngành. Dù có sự biến động lớn về nhân sự do các quy định về công tác tổ chức cán bộ nhưng với vai trò trách nhiệm, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Mong các đồng chí tiếp tục đoàn kết, giữ trách nhiệm cao, vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.
Góp ý về các hoạt động nghiệp vụ của Cục, Bộ trưởng cho rằng, TP Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng lớn của cả nước, trong đó cơ quan hải quan đóng góp lớn cho số thu ngân sách nhà nước của thành phố. Do đó, Bộ trưởng mong muốn Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố, góp phần giúp TP Hồ Chí Minh tiếp tục cất cánh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước.
Bộ trưởng lưu ý việc quản lý tại các cửa khẩu sân bay tránh thất thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác hoàn thuế đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng cần tuân thủ pháp luật về thuế, tránh để lợi dụng, thất thoát. Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp giữa Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố trong việc xác định hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp.
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm, Bộ trưởng biểu dương việc chống ma tuý của lực lượng hải quan cả nước, đặc biệt là tại Cục Hải quan TP. Hà Nội và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. Theo Bộ trưởng, Cục cần tiếp tục đấu tranh phòng chống quyết liệt để đảm bảo an ninh, trật tự trong nước, tránh để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển mặt hàng này.
Đối với phòng chống hàng lậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ nền kinh tế và doanh nghiệp sản xuất trong nước cần được thực hiện quyết liệt, tạo công bằng và minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Riêng trong công tác đấu tranh chống vàng lậu, Bộ trưởng cho rằng, cần đấu tranh quyết liệt không chỉ qua đường hàng không mà cả đường biển và biên giới, “có làm được mới giữ được ổn định nền kinh tế, giữ vững được tỷ giá”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Hải quan tiếp tục chú trọng đến tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nên các cán bộ vững về chính trị, bản lĩnh, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhất thiết áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao trong hoạt động nghiệp vụ mới có thể đáp ứng được yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới.
Đối với công tác phối hợp với các sở ban ngành liên quan, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục hải quan rà soát các vướng mắc để kiến nghị nào chưa được giải quyết cần sớm trình các giải pháp để báo cáo các cấp có thẩm quyền thực hiện.