Thách thức hiện thực hóa phát triển điện khí LNG
Toàn cảnh Diễn đàn |
Đối mặt nhiều thách thức
Tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 7/12/2023, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chuyển dịch năng lượng bền vững, giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây.
Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay; đặc biệt, giúp ngành điện phát triển xanh hơn.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi cho điện khí LNG. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành... Chính vì vậy để các dự án khí hóa lỏng triển khai kịp tiến độ rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện chính sách, cơ chế, tạo môi trường đầu tư ổn định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí LNG.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu |
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, phát triển điện khí LNG thời gian qua còn gặp rất nhiều thách thức. TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam cho rằng, vừa qua việc phát triển điện khí LNG gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thoả thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG.
Bên cạnh đó là hàng loạt các thách thức khác như thị tường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện như: Vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của dự án…
Tháo gỡ những khó khăn
Theo chuyên gia Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban chỉ đạo dự án điện quốc gia, phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2030, các nhà máy điện thuộc chuỗi điện khí Cá Voi Xanh lô B là nguồn điện chính cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia ở khu vực miền Trung và miền Nam; ở miền Bắc bổ sung 4 dự án LNG với tổng công suất khoảng 6.000 MW để chạy nền và đảm bảo truyền tải đường dây 500kW. Danh mục nhà máy điện khí lô B gồm các cụm nhà máy Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3; Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4 với công suất hơn 3.100 MW.
Việc phát triển khác dự án điện khí tại Việt Nam bên cạnh những khó khăn chung thì tại mỗi dự án lại có những vướng mắc đặc thù riêng. Theo đó, để dự án khí triển khai đúng tiến độ, ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp, cần có cơ chế chính sách giải quyết khó khăn trên, đòi hỏi quyết tâm cao của Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách và tham vấn của nhà khoa học, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp |
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều nhận định những thách thức các dự án điện khí đang phải đối mặt và đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp cho biết, bản thân các dự án điện khí LNG gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ thuật, suất đầu tư lớn, quy trình sản xuất kinh doanh chứa đựng nhiều công đoạn rủi ro và mức độ rủi ro cao hơn các dựa án điện truyền thống, giá thành sản xuất cao. Thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện.
Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Bên cạnh đó một số quy định về áp thuế, khí cũng như các ưu đãi về thuế cần được nghiên cứu, điều chỉnh để thúc đẩy các DN đầu tư và các dự án khí. Cần sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan…
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, hiện nay chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án… Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả, cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Đặc biệt, muốn thị trường phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng cũng cần phát triển điện khí theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045. |