Tham gia CPTPP sẽ không giúp Anh bù đắp cho Brexit
Theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh, tư cách thành viên của CPTPP sẽ tạo ra một luồng gió mới cho kinh tế Anh bằng cách giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của quốc gia này. Nó cũng giúp Anh thúc đẩy thương mại dịch vụ và giúp các công ty công nghệ Anh mở rộng ra nước ngoài dễ dàng hơn.
“Việc tham gia CPTPP sẽ giúp gắn kết Anh với một số nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới trong hiện tại và tương lai, với dân số hơn nửa tỷ người và GDP chung là 9 nghìn tỷ bảng Anh (12,5 nghìn tỷ USD) vào năm 2019. Đây là một cơ hội rất lớn hậu Brexit mà tôi muốn chúng ta cần giành lấy”, Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh Elizabeth Truss cho biết.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên trái với những kỳ vọng như trên, một số chuyên gia thương mại cho rằng, việc tham gia vào CPTPP sẽ chỉ mang lại những lợi ích kinh tế khiêm tốn và sẽ không bù đắp được tác động lên sụt giảm thương mại của Anh do việc rời EU. Theo đó, họ chỉ ra những thách thức trong triển khai giao thương giữa Anh với các nước thành viên CPTPP cách xa Anh tới hàng nghìn dặm như vậy, cũng như những lợi ích gia tăng không lớn khi Anh đã có các FTA song phương với đa số các thành viên CPTPP. Hiện Anh đã có các FTA song phương với 7 trong số 11 thành viên CPTPP, chưa tính thêm FTA với Australia mà một thỏa thuận về nguyên tắc đã được hai bên công bố vào tuần trước. Điều đó đặt ra câu hỏi là tư cách thành viên CPTPP sẽ mang lại cho Anh bao nhiêu lợi ích bổ sung.
"Vấn đề lớn nhất với CPTPP là nó hỗ trợ đặc biệt cho những công ty có chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương, trong khi Anh chủ yếu tham gia vào chuỗi cung ứng của châu Âu", David Henig, Giám đốc thị trường Anh của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, cho biết và nhận định: “Và đó là lý do tại sao tác động kinh tế tích cực là nhỏ, thậm chí có thể còn tiêu cực”.
Đồng quan điểm trên, Anna Jerzewska, nhà sáng lập Công ty tư vấn thương mại quốc tế Trade & Borders cho rằng, việc trở thành thành viên của CPTPP “sẽ không thay thế được thương mại với EU theo bất kỳ cách nào, cũng như không giúp hoặc làm cân bằng các tác động của việc rời khỏi EU. Chuyên gia này cũng cảnh báo, việc Anh là một thành viên từ bên ngoài “xâm nhập” vào với kỳ vọng sẽ tích hợp được vào chuỗi cung ứng khu vực Thái Bình Dương vốn đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ sẽ là một thách thức không hề dễ dàng.
Theo cơ quan thống kê quốc gia Anh, nước này đã xuất khẩu 294 tỷ bảng Anh (408,7 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ sang các nước thành viên EU khác vào năm 2019, tương đương 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh. Trong khi đó vào quý I vừa qua, dữ liệu của cơ quan này cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU đã giảm 18%, xuống chỉ còn 44,8 tỷ USD so với quý IV/2020, khi các DN nước này phải vật lộn với các quy tắc thương mại mới với EU. Nhưng ngay cả như vậy thì số liệu xuất khẩu vào EU trên vẫn còn tích cực hơn rất nhiều so với dự kiến xuất khẩu sang các nước CPTPP. Bởi theo dự báo của chính phủ Anh, dự kiến xuất khẩu của Anh vào CPTPP chỉ tăng được từ 51,4 tỷ USD hiện nay lên 130,7 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng việc tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào CPTPP tốt hơn dự báo trên, đồng thời hỗ trợ tạo thêm việc làm cho người lao động Anh. Quan trọng hơn, trở thành thành viên của CPTPP sẽ đặt Anh vào trung tâm nhóm các quốc gia năng động trên thế giới. Ngoài ra, tham gia CPTPP cũng có thể giúp trấn an các đối tác thương mại hiện tại của Anh rằng, nước này vẫn đang ủng hộ cho tự do hóa thương mại. Đây là một quan ngại hiện hữu của các đối tác đối với Anh, nhất là sau sự kiện Brexit khiến nhiều người cho rằng nước Anh đang trở nên bảo thủ và đi theo chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn.