Thận trọng với tín dụng BĐS; giám sát việc ngân hàng tham gia thị trường vốn
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) khi trao đổi với báo chí về tình hình tín dụng ngân hàng và mối quan hệ với thị trường trái phiếu, bất động sản (BĐS) trong bối cảnh hiện nay.
Ngân hàng không siết tín dụng BĐS
Hiện nay, không ít DN BĐS đang là khách hàng lớn của ngân hàng. Có DN đang bị siết trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cùng với đó, thị trường chứng khoán đang trầm lắng, dòng vốn của DN sẽ rất khó khăn.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục siết tín dụng có thể sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, đồng thời xảy ra vỡ nợ chéo liên quan đến các ngân hàng.
Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng: NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực BĐS rất linh hoạt - Ảnh: VGP |
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng phân tích hiện đang có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng là BĐS. Như vậy, số lượng tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ là khá lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý ngân hàng nên hết sức thận trọng khi cho vay BĐS. Đại diện VNBA dẫn ví dụ, nếu giá trị 1 căn nhà trước đây chỉ 100 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 300 triệu đồng/m2. Với tỉ lệ cho vay 50% giá trị tài sản (khoảng 150 triệu đồng) thì khi giá BĐS xuống, ai sẽ chịu rủi ro? Nếu cứ đầu tư mạnh vào BĐS để đẩy giá lên và không bán được thì chỉ cần dừng lại một dòng thanh khoản sẽ có rất nhiều khó khăn. Do vậy, các ngân hàng cần lường trước những điều này để đánh giá đúng những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực BĐS rất linh hoạt.
Quan điểm của lãnh đạo NHNN là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: Trái phiếu, chứng khoán, BĐS, trong đó gồm một số phân khúc BĐS cao cấp, khu nghỉ dưỡng. Với các dự án BĐS nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đều là những sản phẩm cần thiết và vẫn được NHNN khuyến khích cho vay. Thực tế tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nhà ở phục vụ nhu cầu của người dân vẫn phát triển khá nhanh.
Đại diện VNBA cho rằng các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tuân thủ nghiêm chỉ đạo của NHNN, chủ động rà soát lại các hoạt động cho vay BĐS. Bởi lẽ, nếu thị trường BĐS đóng băng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung vì ngành BĐS có liên quan đến rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngân hàng.
Tuy nhiên, đại diện VNBA cũng cho rằng cần có lộ trình và cách nhìn nhận hết sức đúng đắn, đồng thời ngành Ngân hàng cũng phải có các giải pháp phù hợp chứ không nên siết quá mức như giai đoạn 2009-2010. Do vậy, ngân hàng nào đầu tư vào BĐS chiếm tỉ trọng lớn thì cần rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.
"Đây là vấn đề ngành Ngân hàng rất quan tâm và tôi mong muốn các TCTD chia sẻ, đồng hành với các DN nói chung, trong đó có DN BĐS", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Kiểm soát tốt các ngân hàng tham gia thị trường vốn
Về mối quan hệ, tác động giữa thị trường vốn và ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thực tế, ngành Ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng có thể tham gia thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm…
Theo ông Hùng, việc huy động và phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán phải là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho DN. Nhưng sự phát triển thiếu ổn định của thị trường vốn dẫn đến các DN khó khăn về vốn nên các ngân hàng vẫn làm cả nhiệm vụ này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định NHNN không có chủ trương hay văn bản nào siết tín dụng BĐS mà chỉ kiểm soát chặt rủi ro - Ảnh: VGP/Huy Thắng. |
Đại diện VNBA đồng tình với chủ trương của Chính phủ là phải chấn chỉnh, thiết lập kỷ cương, lành mạnh hoá thị trường vốn.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã bắt đầu triển khai thanh tra 8 ngân hàng liên quan TPDN. Việc thanh tra đầu tư TPDN tại các ngân hàng được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường TPDN ngày 3/12/2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao Thông tư 22 của NHNN do có quy định giảm tối đa tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022.
Thông tư này ban hành từ năm 2019 với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát, đúng hạn.
Về áp lực nợ xấu, đại diện VNBA thừa nhận trong bối cảnh hiện nay, áp lực nợ xấu tăng cao là hiện hữu các ngân hàng. Vì vậy, các TCTD cũng phải tái cơ cấu và phải xử lý nợ xấu. Nếu chưa xử lý được thì phải trích lập dự phòng rủi ro.
Hiện tại, các TCTD đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Thậm chí có những TCTD có tình hình tài chính lành mạnh đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu thực tế. Do vậy, nhiều TCTD đều đặt vấn đề tăng vốn điều lệ trong năm 2022, qua đó nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động, tự phòng vệ cho mình.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cả bên cho vay và bên đi vay. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế của Chính phủ tổ chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định "NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN". NHNN đã có quy định: TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua TPDN khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, sử dụng vốn khả thi; TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành… Còn ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank góp ý: Nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với TPDN phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư. Cần bảo đảm công tác hậu kiểm và chế tài đủ sức răn đe đi kèm đối với các DN phát hành để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật. |