Thanh toán dịch vụ công dễ dàng hơn
Mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID Dịch vụ công: Cần chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ người dân “Điểm sáng” dịch vụ công trực tuyến toàn trình |
Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai 55 ngày đêm cao điểm thực hiện sổ khám sức khỏe điện tử thông qua ứng dụng tài khoản định danh mức độ 2 VNeID tại các cơ sở y tế, thay cho sổ khám sức khỏe in giấy. Lĩnh vực giáo dục của TP. Hồ Chí Minh cũng ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối dữ liệu thông tin học sinh, phụ huynh trên môi trường điện tử, thực hiện giao dịch số hóa. Y tế và giáo dục là hai dịch vụ thiết yếu có số lượng người dùng nhiều nhất và sử dụng thường xuyên hàng tháng. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã đạt 100% cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho hai loại dịch vụ này.
Trước đó, các bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã kết nối dữ liệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, giúp người dân không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế in giấy và không cần yêu cầu cơ quan bảo hiểm cấp lại thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện nay, dịch vụ công trực tuyến cho người dân đã được cung cấp ở cấp độ 3 - sau khi nhận kết quả dịch vụ công qua đường bưu điện, người dân đóng phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người vận chuyển, hoặc cấp độ 4 - toàn trình thanh toán trực tuyến ngay trong quá trình thao tác dịch vụ công. Các dịch vụ công như khai báo tạm vắng tạm trú, làm hộ chiếu, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông… chỉ cần một thiết bị công nghệ kết nối internet là người dân có thể yêu cầu nhà nước cung cấp dịch vụ.
Số hóa các quy trình nghiệp vụ và dịch vụ công để giải quyết hồ sơ thủ tục trên môi trường internet đã tạo ra một sự đột phá về thời gian cho người dùng. Kết quả này được thực hiện sau khi các bộ, ngành, địa phương triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trong đó, ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, hoàn tất toàn trình một dịch vụ công và các dịch vụ thương mại tiện ích khác. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 10/2024, cả nước có 29 TCTD và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán, đối chiếu xác thực thông tin khách hàng. 9 TCTD đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng để phục vụ chi trả an sinh xã hội, trong đó đã liên kết được 173.716 tài khoản an sinh xã hội.
Các TCTD và trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua CCCD gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID. Bên cạnh đó là các ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (FacePay), thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR… Qua đó, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến cho phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… Gắn với xuất hóa đơn điện tử, tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch tài chính và hỗ trợ công tác quản lý thuế.
Hiện nay, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã huy động các công ty trung gian thanh toán cung cấp giải pháp hạ tầng thanh toán kết nối từ các đơn vị cung cấp dịch vụ như y tế, giáo dục… đến các ngân hàng thương mại. Qua đó, người dân sử dụng dịch vụ công thanh toán trực tuyến có thể thanh toán bằng mọi loại thẻ ngân hàng. Đặc biệt, từ khi sử dụng quét mã QR, việc mở rộng liên thông thanh toán các loại dịch vụ công và dịch vụ thương mại đã trở nên nhanh chóng hơn.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dữ liệu dân cư trước kia chưa được số hóa và phân tán, nhưng sau khi ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an, dữ liệu đã được tập trung. Theo đó, các ngành nghề phát triển dịch vụ cung cấp cho người dân trở nên thuận tiện hơn, các đơn vị hành chính công cung cấp dịch vụ công cũng nhanh chóng thực hiện cải cách hành chính, mở ra cơ hội cho các TCTD cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.