Thanh toán điện tử và xu hướng kỹ thuật số phát triển
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Đồng hành cùng người dùng bắt nhịp xu hướng thịnh hành, trong đó có các hình thức thanh toán số, Visa mang đến những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến với khả năng bảo mật hàng đầu. Các phân tích từ Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng sẽ hỗ trợ đối tác phát triển sáng kiến, đổi mới công nghệ, đọc vị hành vi của người dùng hậu COVID-19. Chúng tôi mong đợi một tương lai kỹ thuật số đầy tiềm năng cho cả người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam”.
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa, tỉ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021.
66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng – ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với mức 32% năm 2021. Tương tự, tỉ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm 2022) so với mức 35% (năm 2021). 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng cao so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.
Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng, bằng chứng là năm 2022, họ đã mang theo ít tiền mặt hơn và ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉ lệ lựa chọn các phương thức thanh toán kỹ thuật số cũng ngày càng gia tăng. Theo thông tin từ Nghiên cứu, 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này. Khi giá trị thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ kinh doanh ở thị trường trong nước.
Mặt khác, khái niệm “ngân hàng mở” vẫn còn mới tại Việt Nam, mặc dù 76% người tiêu dùng đã biết về mô hình này. Điều này cũng được ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á, khi Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang trong quá trình phát triển các khung dữ liệu để hỗ trợ ngân hàng mở trong tương lai. Các tính năng được người dùng Việt quan tâm nhất mà “ngân hàng mở” có thể cung cấp là so sánh sản phẩm và dịch vụ giữa nhiều ngân hàng, khả năng sắp xếp lịch thanh toán và chuyển khoản.
Bước sang năm 2023, người tiêu dùng ghi nhận các xu hướng sinh hoạt mới hậu COVID-19, bao gồm việc chi tiêu tại các điểm bán lẻ và quản lý tài chính.
Nghiên cứu cho thấy người dùng tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà nhiều hơn, trong đó thanh toán trước khi giao hàng qua các phương thức trực tuyến là phổ biến nhất. Nhìn chung, 85% người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch. Trong tương lai, họ kỳ vọng 80% giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến và nhận hàng tại nhà. Việc cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nhà sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Những thói quen mua sắm mới cũng được ghi nhận, với 64% người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thêm thuốc men và vitamin để duy trì sức khỏe. Tương tự, 64% người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn và doanh nghiệp hộ gia đình. Những thói quen chi tiêu này đã phần nào phản ánh xu hướng toàn cầu sau COVID-19 là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và phần lớn người tiêu dùng đón nhận các hành vi mua sắm mới.
Trong khi đó, sự thay đổi thói quen tiết kiệm và chi tiêu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các hành vi khác nhau của người tiêu dùng. Theo Nghiên cứu, 80% người được khảo sát cho biết họ đang tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai, 78% muốn lập kế hoạch và theo dõi chi phí hằng tháng chặt chẽ. Điều này cho thấy người dùng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm tài chính, cũng như chú trọng thiết lập ngân sách hằng tháng cho chi tiêu gia đình. Như vậy, người dùng có khả năng giảm chi tiêu cho một số mặt hàng và các doanh nghiệp cần lường trước sự chuyển dịch này.
Mặt khác, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực mà người tiêu dùng có kế hoạch gia tăng chi tiêu, như hàng tạp hóa, thời trang và quần áo, nghỉ dưỡng tại chỗ (staycation) hoặc du lịch nội địa. Một ví dụ khác về những thói quen đang thay đổi này là phần lớn người tiêu dùng đã quay lại du lịch kể từ đầu năm 2022, chủ yếu chuyến đi trong nước để thư giãn. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần bắt kịp với những thay đổi liên tục đang và sẽ diễn ra trong hành vi của người tiêu dùng.
“Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng tại Việt Nam, thể hiện qua dữ liệu của mạng lưới VisaNet trong 3 tháng đầu năm 2023, khi tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 và thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng theo đó. Đồng thời, doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong tương lai, để tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng và cùng hướng tới một tương lai kỹ thuật số, Visa đồng hành cùng chuỗi sự kiện Ngày Không tiền mặt hàng năm (16/6) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhằm xây dựng nên một xã hội không tiền mặt, thông qua thúc đẩy thanh toán số an toàn, thuận tiện cho tất cả mọi người, đúng với mục tiêu và cam kết của Visa - bà Đặng Tuyết Dung chia sẻ.