Tháo gỡ gấp nợ xấu cho vay tàu cá
Nợ xấu tăng nhanh vì tàu tốt nằm bờ
Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng, kể từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), hệ thống ngân hàng cả nước đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu, chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối quý II/2020 đạt 9.936 tỷ đồng với 1.157 tàu còn dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 chiếm 38,83%, tương đương 3.858 tỷ đồng.
Theo các NHTM tại hầu hết các địa phương có dư nợ cho vay tàu cá lớn như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… việc nợ xấu phát sinh và tăng mạnh đối với mảng tín dụng phát triển tàu cá xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng do thời tiết, thiên tai, bão lũ… nhưng cũng có nhiều nguyên nhân do chủ quan, bao gồm: chủ tàu không trả nợ, năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi, đặc biệt là vướng hàng loạt các pháp lý về kinh doanh khiến các tàu lớn, tàu hậu khai thác không hiệu quả.
Hàng loạt tàu cá phải nằm bờ là nguyên nhân khiến nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tăng cao |
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Đinh Cao Thượng - Phó trưởng Phòng Quản lý nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết, các NHTM trên địa bàn tỉnh này đã cho vay gần 300 tỷ đồng để đóng mới 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép. Hầu hết các tàu này đều được lắp trang thiết bị hiện đại, mỗi chiếc có giá trị từ 30-50 tỷ đồng với công suất lớn từ 1.200-1.600 CV. Tuy nhiên, hầu hết các tàu đều phải nằm bờ, ngừng hoạt động vì vướng các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Cụ thể, theo Thông tư 47/2015/TT-BCT của Bộ Công thương, các tàu hậu cần nghề cá nếu muốn được cấp phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu thì phải đáp ứng yêu cầu neo đậu ở các điểm cố định. Trong khi đó, các tàu hậu cần hiện nay di chuyển liên tục trên biển và chỉ cập bến trong một thời gian nhất định để xếp sản phẩm hải sản thu mua và lấy nguyên nhiên vật liệu. Ngoài ra, Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cũng không có quy định cho phép các tàu dịch vụ nghề cá được kinh doanh vận chuyển, cung cấp xăng dầu trên biển. Vì thế mặc dù tàu đóng mới, còn tốt nhưng vẫn phải nằm bờ.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Lê Duy - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 357 tỷ đồng theo Nghị định 67. Hiện 4/6 chiếc tàu hậu cần nghề cá được ngân hàng cho vay đóng mới đều đã nằm bờ, một chiếc chạy cầm chừng, chiếc còn lại chuyển qua kinh doanh vật liệu xây dựng. Vì các tàu kinh doanh không hiệu quả, ngư dân không có tiền trả nợ nên khoảng 200 tỷ đồng dư nợ đang phải xem xét cơ cấu lại. Điều này tác động tiêu cực đến việc kéo giảm nợ xấu của đơn vị trong thời gian qua.
Sửa quy định không phù hợp
Để giảm bớt áp lực đối với nợ xấu cho vay theo Nghị định 67, các NHTM ở những địa phương có dư nợ theo Nghị định 67 đều đã chủ động giãn nợ và giảm một phần lãi suất cho chủ tàu và ngư dân.
Tính đến cuối tháng 6/2020 cả nước đã có khoảng gần 300 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ được cơ cấu khoảng 1.400 tỷ đồng. Các NHTM cũng đã ưu tiên thu nợ gốc trước nợ lãi sau, đối với gần 30 khách hàng với khoảng 300 tỷ đồng dư nợ. Ngoài ra, để hỗ trợ các tàu nằm bờ hoạt động trở lại, các ngân hàng đã phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành chuyển đổi chủ tàu đối với 11 tàu cá, số dư nợ được chuyển đổi người vay đạt khoảng 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để việc xử lý nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả hơn, ngành Ngân hàng nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần thực hiện bổ sung, sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến Nghị định 67.
Theo đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, UBND cấp tỉnh và ngành nông nghiệp tại các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ tàu nâng cao ý thức trả nợ, thực hiện nghiêm túc việc ghi chép nhật ký khai thác, nâng cao ý thức mua bảo hiểm cho tàu cá và ngư dân. Đối với các chủ tàu cố tình chây ì không trả nợ đề nghị ngành tòa án nhanh chóng thụ lý và giải quyết các hồ sơ ngân hàng khởi kiện.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh này đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đề xuất tháo gỡ những vướng mắc về hoạt động kinh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, cả hai bộ này đều cho rằng việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 08/2018/NĐ-CP và liên quan tới quyền hạn của Bộ Giao thông - Vận tải.
Được biết, để hạn chế nợ xấu gia tăng, bảo đảm triển khai có hiệu quả chương trình, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của NHNN, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, xử lý các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ ngành Ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay. Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT làm đầu mối nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67. Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến ngành Ngân hàng tại Nghị định 67.