Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Ngành dệt may Việt Nam sẵn sàng trở lại trong bối cảnh mới Ngành dệt may: Từ khó khăn đến cơ hội “vàng” Xuất khẩu đồ gỗ gặp khó, doanh nghiệp xoay chuyển thị trường |
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 |
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chiều ngày 31/7/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề Chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giầy”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định, phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu. Hơn nữa, hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút.
Ở nhiều nước, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng bởi đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ của Việt Nam.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần da giày của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của hiệp định mang lại.
“Nghiên cứu mới đây của Thương vụ cho thấy dù da giày là mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP cao nhất (72%) so với các mặt hàng khác của Việt Nam, tuy nhiên, ước tính vẫn có đến trên 230 triệu USD hàng xuất khẩu của chúng ta xuất với thuế suất MFN từ 5-20%; trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế CPTTP bằng 0%; trong đó chủ yếu là giày thể thao, giày đá bóng (17.5%), giày dép da giá trị thấp (11%), giày dép vải (10%), phụ kiện giày dép (5-8%)”, bà Quỳnh chia sẻ.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào địa bàn bền vững và để mở rộng thị phần, theo bà Quỳnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành.
Sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các Hội chợ, triển lãm quốc tế vì đây vừa là cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn để tìm kiếm các đơn hàng gia công, vừa là cơ hội để mở rộng khả năng tham gia vào các phân khúc giày dép túi xách thời trang, đồ đi biển, giày dép trẻ em và giày dép trong nhà…”, bà Quỳnh cho biết.
Theo điều tra Môi trường và hộ gia đình 2019 và điều tra Rác thải công nghiệp 2018 của Cơ quan thống kê Canada, mỗi năm, quần áo cũ đóng góp tới gần 60.000 tấn rác và là nguồn rác thải nhựa lớn thứ ba của Canada, sau bao bì và xe ô tô cũ. Quần áo cũ thải loại đóng góp khoảng 7% vào tổng lượng rác thải nhựa của Canada. Trong nỗ lực giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn và vận động tiêu dùng dệt may bền vững.
Để tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang địa bàn bền vững, bà Quỳnh cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon và sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế và sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật về các hệ chứng chỉ mới trong ngành dệt may và tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng.
Vời ngành gỗ, theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số do nhu cầu tiêu dùng giảm còn do thị trường Mỹ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, quy định liên quan đến môi trường và rừng của EU...
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 57 triệu USD đồ gỗ sang EU. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế. Với quy định này, doanh nghiệp Việt Nam khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.
“EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp”, ông Quân chia sẻ.
Ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho biết, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp ngành hàng cần tìm đến thị trường ngách để xuất khẩu bởi các nhà phân phối lớn giảm nhu cầu sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy.