Tháo gỡ thể chế để tăng trưởng bứt phá
Kinh tế Việt Nam: Ngôi sao tăng trưởng Cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi để phát triển |
Cần cải cách mạnh mẽ
Mặc dù đã có những tiến bộ trong việc cải cách thể chế, nhưng Việt Nam vẫn đối diện với nhiều điểm nghẽn - một phần nguyên nhân quan trọng khiến các nguồn lực chưa được giải phóng và phát huy tiềm năng tốt nhất. “Hiện nay, chúng ta còn rất nhiều thứ lãng phí, nguồn lực chưa được khơi thông. Nhìn vào đất đai, thị trường bất động sản và nhiều thị trường khác còn rất nhiều sự lãng phí. Nếu như khơi thông được về mặt thể chế, về mặt cơ chế chính sách để tháo gỡ thì nguồn lực của chúng ta rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định. Chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề năng suất lao động đã có những tiến triển nhưng cũng chưa được như mong muốn và đến lúc cần nghiên cứu, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cho thấy còn những hạn chế, bất cập và những điểm nghẽn về thể chế. Nổi lên như: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…
“Gánh nặng hành chính” cũng là vấn đề luôn được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhắc đến trong các báo cáo khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) hàng quý. Theo đó, đây là một trong ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, gồm: Gánh nặng hành chính và thủ tục kém hiệu quả; các quy định chưa rõ ràng và có thể được diễn giải khác nhau; khó khăn trong các vấn đề xin giấy phép, giấy phép và phê duyệt cần thiết.
Theo các chuyên gia, việc có nhiều chính sách còn phức tạp, thiếu nhất quán và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lập kế hoạch dài hạn. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà và tốn kém thời gian, chi phí, trong khi khung pháp lý cho các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn vẫn chưa hoàn thiện, thiếu cơ chế khuyến khích ít nhiều làm giảm cơ hội phát triển. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những hạn chế này có thể khiến Việt Nam mất đi những cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư và giảm khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường năm 1986. Đây là dấu mốc quan trọng nhất và trong suốt 40 năm vừa qua, đặc biệt sau khi gia nhập WTO, thể chế nền kinh tế đã được điều chỉnh và chuyển sang nền kinh tế thị trường, sử dụng các công cụ kinh tế thay cho công cụ hành chính. “Chính vì vậy đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng Việt Nam cần có một cuộc cải cách mạnh mẽ như năm 1986, chúng ta cần chuyển đổi từ nâu sang xanh và chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, dựa trên khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo để có thể đạt được những thành tựu trong thời gian tới”, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ nhận định.
“Gánh nặng hành chính” nằm trong nhóm các trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - theo BCI quý III/2024 |
Biến những “điểm nghẽn” thành…“điểm bứt phá”
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, các chuyên gia cho rằng việc cải cách thể chế phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý không cần thiết và tăng cường tính minh bạch trong quản lý nhà nước. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới. Do đó, vấn đề đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ thể chế sẽ được tập trung trong thời gian tới. Trong đó, phân cấp, phân quyền là một trong những nút thắt lớn, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi và Thủ tướng khẳng định cần phải tháo gỡ. Các giải pháp chính được Thủ tướng nhấn mạnh là rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành; thể chế các quy định của Đảng, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và tính toán lại phân cấp, phân quyền; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra. “Bên cạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, chúng ta cần đảm bảo việc phân cấp, phân quyền nhưng có nguồn lực và có năng lực thực thi”, Thủ tướng nói.
Trong khi phân cấp, phân quyền vẫn là điểm nghẽn lớn, Thủ tướng cũng chỉ ra ưu tiên hiện nay chính là tăng trưởng kinh tế. Để đạt các mục tiêu phát triển quan trọng đã đặt ra, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc thay vì mức tăng 6-7%/năm như hiện nay. Nhưng muốn tăng trưởng tốt hơn thì phải có nguồn lực. Do đó, ưu tiên cho tăng trưởng cần phải thông qua giải pháp then chốt là tháo gỡ thể chế để huy động được mọi nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp…
Nội hàm tháo gỡ và đột phá thể chế cũng bao hàm trong đó nhiều vấn đề liên quan khác. Ví dụ, đảm bảo cung ứng điện ổn định là một yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, lên tới 12-13% vào năm 2025 và tiếp tục tăng cao hơn trong các năm sau. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và tập trung khởi công, đưa vào vận hành các dự án năng lượng lớn. Trong dài hạn, để phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân và phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Luật Điện lực sửa đổi nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
Cùng với đó, chuyển đổi số là chiến lược trọng điểm mà Chính phủ đang hướng đến để xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững. Tuy đã đạt những kết quả rất ấn tượng trong thời gian vừa qua, nhưng đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu”, an toàn thông tin, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro... Để đạt được các mục tiêu tham vọng hơn, thực sự “tăng tốc, bứt phá” trong chuyển đổi số, cần tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phức tạp và tập trung vào việc xây dựng các quy định pháp lý cho chuyển đổi số, nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý số. Cùng với đó, huy động các nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn…
Việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và đẩy mạnh cải cách là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm từ toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đây không chỉ là giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu phát triển bền vững và trở thành một nền kinh tế cạnh tranh trên trường quốc tế.