Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản bước đầu đạt hiệu quả
Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) về kết quả bước đầu của việc quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản có liên quan đến vấn đề pháp lý của Chính phủ thời gian qua.
Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản bước đầu đạt hiệu quả |
Theo ông Châu, thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn kể từ đầu quý 3/2022 đến hết năm 2023 và Hiệp hội đã có Văn bản số 98/2022/CV-HoREA ngày 9/11/2022 báo cáo về các cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì.
Hiệp hội đã nhận định “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở và các cuộc họp này là cơ sở thực tiễn để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gồm đại diện một số Bộ, ngành và bộ phận giúp việc “tinh, mạnh” để phối hợp công tác hiệu quả với các địa phương, nhất là có cơ chế trực tiếp lắng nghe nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Sau đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập Tổ công tác của địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền để nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh kiêm Tổ trưởng “Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân Thành phố” đã chỉ đạo phân loại các nhóm vướng mắc của 148 dự án và giao cho Giám đốc các Sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm xem xét đề xuất xử lý.
“Hiệp hội đánh giá rất cao việc Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất kịp thời, hoạt động hiệu quả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Châu cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến giữa năm 2023, cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý, trong đó TP. Hồ Chí Minh có hơn 148 dự án bị “vướng mắc pháp lý” không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Nhưng với hoạt động tích cực của Tổ công tác của Chính phủ và nhất là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của các địa phương, cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, các “trái chủ”, nên đến nay cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở. Riêng, TP. Hồ Chí Minh đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bị “vướng mắc”.
Bên cạnh đó là nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tháo gỡ ngay các vướng mắc của các văn bản dưới Luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành. Điển hình là Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”, không bị đổ vỡ.
Hay, Nghị định 10/2023/NĐ-CP bước đầu tạo điều kiện để cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel); hoặc Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về cơ bản tháo gỡ được vướng mắc trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại để giúp cho hàng trăm ngàn người mua nhà sớm được cấp “sổ hồng”.
Đặc biệt, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (trước khi Thông tư 06 có hiệu lực thi hành), đã hỗ trợ thiết thực cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thương mại thông thường để hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.