Tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách
Toàn cảnh phiên họp |
Về cơ sở thực tiễn, Tờ trình tóm tắt của Chính phủ cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và đã xác định 7 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công... Do đó, cần rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án Luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển. Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập.
Quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề, thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê liên doanh, liên kết đang được quy định tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật.
Báo cáo thẩm tra có nêu, theo quy định hiện hành, mọi đề án sử dụng tài sản đều do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, vì vậy cũng xảy ra những khó khăn, chậm trễ trong việc sử dụng các tài sản này. Nhằm mở ra hướng để giải quyết vướng mắc, dự thảo Luật kiến nghị sửa đổi quy định này theo hướng giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh ban hành các quy định về thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng giao thẩm quyền cho các cơ quan tự chịu trách nhiệm và giao cho đơn vị cấp dưới.
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác điều hành ở địa phương, Trưởng Ban Công tác đại biểu thấy rằng, khi giao thẩm quyền như thế nên có điều kiện hoặc quy định cụ thể, chẳng hạn như HĐND giao việc này chỉ đến cấp nào đối với tài sản cỡ bao nhiêu. Trưởng Ban công tác đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể để tránh thất thoát, bởi lẽ, tất cả những việc liên quan đến tài sản công phải quản lý chặt chẽ, kể cả sử dụng, quản lý tài sản công.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thì đề nghị, cơ quan soạn thảo quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề có thể tháo gỡ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ rà soát, bảo đảm tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản trong dự thảo Luật, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo cho các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới trong gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước. Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm, cần phải đánh giá tác động đầy đủ, minh chứng được khi áp dụng mang lại hiệu quả mới quy định vào luật.
Đối với các nội dung sửa đổi cho từng luật, cơ quan thẩm tra có nhiều ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, ý kiến thẩm tra cũng cho rằng cơ quan soạn thảo chưa rà soát các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung với hệ thống pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Do vậy, sẽ rất rủi ro đối với các điều khoản được đề nghị sửa đổi, sẽ dẫn đến xung đột pháp luật, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các luật khác, kể cả các luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8; rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành đảm bảo khả thi, không vướng mắc khi áp dụng.