Thắt chặt kiểm soát rượu
Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, ước tính có tới 15 ca tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó điển hình là các vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu; Cầu Giấy, Hà Nội… Nguyên nhân được xác định là do sử dụng các loại rượu tự pha chế, có chứa Methanol vượt quá ngưỡng cho phép.
PGS-TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, còn ham sản phẩm rẻ... Chính vì thế nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, 70% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Hậu quả là không những Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế mà khi sản phảm bán ra thị trường còn đồng nghĩa với việc không được kiểm soát về mặt chất lượng.
Chia sẻ quan ngại trên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, nếu theo đúng quy định (Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu), các cơ sở sản xuất rượu phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm phải đăng ký chất lượng với Sở Y tế mới được phép mua tem rượu sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường đang có đến 70% các loại rượu thủ công không đáp ứng được quy định về dán tem, chứng nhận hợp quy, cơ sở sản xuất phải được kiểm nghiệm định kỳ 12 tháng/lần, hay là rượu phải có dán nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần...
Về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần phải có quy định cấm sử dụng cồn công nghiệp và cồn y tế dùng cho pha chế rượu. Chính quyền các địa phương thì phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ sử dụng loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm triệt tiêu việc sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng.
Trong đó, việc ngăn chặn sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, rượu kém chất lượng cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phát hiện và tố cáo hành vi sản xuất, tiêu thụ rượu kém chất lượng. Người tiêu dùng không sử dụng rượu thủ công rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chỉ sử dụng rượu có nhãn hiệu, rõ nguồn gốc.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất và cồn công nghiệp, ngăn ngừa việc sử dụng sai mục đích hóa chất, cồn công nghiệp trong bảo quản, chế biến thực phẩm, tại chỉ thị vừa được ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt là methanol, cồn công nghiệp, hương liệu và phụ gia thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương, các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã phường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn DN, hộ kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng hóa chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…