Thay đổi tư duy kinh doanh để phát triển bền vững
Mô hình bán hàng truyền thống ngày càng bị thu hẹp do phát sinh thêm nhiều chi phí ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của sản phẩm, nên dẫn đến sức cạnh tranh không cao. Chính vì vậy, bán hàng online thông qua nền tảng trực tuyến trở thành xu thế tất yếu tạo lợi thế cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ giảm tối đa chi phí bán hàng mà vẫn có thể tiếp cận đến với khách hàng của mình và gia tăng lợi nhuận đáng kể.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề cũng tham gia vào cuộc chơi này. Có thể nhận thấy, chỉ trong một thời gian ngắn các sản phẩm của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ đã có chỗ đứng trên thị trường.
Livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện từ năm 2018, song phải đến năm 2023, kênh bán hàng này mới thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn.
Mô hình bán hàng truyền thống không còn thu hút nhiều khách hàng |
Theo Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thị trường bán hàng trên nền tảng số lớn nhất khi chiếm trên 70% toàn thị trường cả nước. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử của Hà Nội tại 5 sàn bán hàng trực tuyến đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 77% so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi từ phương thức bán hàng trực tiếp sang kết hợp với trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao chia sẻ, xã Bát Tràng có 195 doanh nghiệp, 960 hộ sản xuất, 750 hộ làm dịch vụ gốm sứ và du lịch, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 86,5 triệu đồng/năm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bát Tràng đã tiếp thị, đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, làng nghề cũng đang hướng tới cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua mã QR. Chính vì vậy, khách du lịch có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện những thao tác cần thiết như tìm kiếm thông tin các gian hàng, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Bát Tràng.
Nhiều sản phẩm "độc, lạ" đã đến tay khách hàng thông qua thương mại điện tử |
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) cho biết, làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Những năm qua, nhiều cơ sở đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng lụa Vạn Phúc còn tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm trên mạng xã hội, liên kết hơn 100 hộ gia đình. Chính từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với mô hình kinh doanh điện tử, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng lụa Vạn Phúc dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.
Nhiều làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống |
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với mô hình kinh doanh này chính là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng đưa thị trường đẫn đến nhiều nhiều chủ hàng chân chính phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng TikTok, Alibaba.com, OSB (đại lý ủy quyền Alibaba.com tại Việt Nam) và các nhà bán hàng uy tín trên TikTok Shop đã tổ chức chuỗi Chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã.
Các doanh nghiệp phải tự bảo vệ chính mình |
Chương trình hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất chinh phục thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng, cơ quan chức năng cần có những giải pháp tận gốc cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Bởi thực tế dù doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng hình ảnh cũng khó có thể lấy lại thương hiệu khi bị làm giả, làm nhái sản phẩm.
Các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái mà doanh nghiệp đang thực hiện cũng chỉ nằm ở phần ngọn. Để xử lý từ phần gốc là phần dành cho các nhà quản lý qua các khâu tiền kiểm, hậu kiểm trên thị trường. Do đó, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn thương mại điện tử phải tự bảo vệ chính mình bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức về thương mại điện tử, phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro ở mức tối đa nhất.