Thay đổi tư duy lãnh đạo trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách NHHT Khuất Duy Tuấn cho biết, đây là buổi tập huấn đầu tiên của NHHT về kỹ năng lãnh đạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Sáu thách thức mà các TCTD cũng như NHHT cần vượt qua từ cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ông Tuấn chỉ ra. Đó là khoảng trống chính sách đặc biệt với các dịch vụ tài chính số hóa; Thay đổi mô hình hoạt động; Bảo mật an ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Cùng với đó là thách thức về năng lực chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực là vấn đề cốt lõi với việc phát triển của mọi tổ chức, đặc biệt là yếu tố quyết định có bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 hay không. Cùng với đó là những thách thức từ cạnh tranh công nghệ và xuất hiện các công ty fintech; hệ thống tuân thủ dữ liệu định danh toàn quốc.
“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đòi hỏi tư duy của người quản lý cần phải đổi mới để có thể dẫn dắt chi nhánh cũng như toàn hệ thống NHHT phát triển an toàn hiệu quả và tận dụng được cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0” ông Tuấn nhấn mạnh. Vì vậy ông mong muốn qua buổi tập huấn sẽ góp phần hình thành tư duy lãnh đạo của NHHT trong bối cảnh mới, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống ngân hàng cũng như NHHT đang dịch chuyển sang ngân hàng số.
Chia sẻ với các cán bộ quản lý của NHHT, PGS.TS Phạm Thị Tuyết, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, Học viện Ngân hàng đã khái quát lại bối cảnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặc dù đầy thách thức, song khi cả xã hội và ngành Ngân hàng đang số hóa mạnh mẽ, bà Tuyết khuyến nghị với các cán bộ, nhân viên NHHT “tuyệt đối không tự hỏi rằng NHHT có nên chuyển đổi số hay không mà hãy nghĩ rằng đó là điều chúng ta phải làm”.
Trong đó, song hành với việc đột phá trong đầu tư công nghệ để bắt nhịp với kỷ nguyên số, một đột phá khác không kém phần quan trọng đó chính là tư duy lãnh đạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, nhà lãnh đạo cần phải thay đổi chính mình thông qua 3 bước quan trọng: Bản thân cần chuẩn bị và có lộ trình thay đổi phù hợp với yêu cầu mới của cách mạng công nghiệp 4.0 từ những kỹ năng đơn giản nhất như ngoại ngữ để vận hành các phần mềm công nghệ. Tiếp đó là việc thay đổi tư duy và tầm nhìn; áp dụng các triết lý tư duy mới trong vận hành đơn vị.
Đặc biệt, yêu cầu về tầm nhìn hiệu quả cần phải được phát triển bởi những người lãnh đạo, phải được truyền đạt tới những người khác. Tầm nhìn phải đủ bao quát và chi tiết sao cho mỗi thành viên của chi nhánh hiểu được vị trí và vai trò của họ như là một bộ phận trong tổng thế. Đặc biệt, tầm nhìn phải có động lực và khơi gợi nguồn cảm hứng.
Lời khuyên để lãnh đạo bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được bà Tuyết đưa ra. Trong đó, bên cạnh yêu cầu tiếp nối và phát huy kỹ năng lãnh đạo theo quan điểm truyền thống kết hợp với hiện đại mà hơn thế, lãnh đạo cần xác định rõ tầm nhìn, chú trọng gắn kết hệ thống; lãnh đạo khởi sướng làm mẫu tạo ra các chuyển biến tích cực trong chi nhánh; cho phép nhân viên hành động và triển khai ý tưởng và truyền cho nhân viên cảm hứng và tình yêu nghề nghiệp.
Bà Tuyết cũng chỉ ra lãnh đạo hiệu quả trong thời đại cách mạng 4.0 phải đáp ứng được 3 yếu tố: Xác định và phát huy lợi thế cạnh tranh của NHHT trên địa bàn; thấu hiểu tâm lý nhân viên và động viên phát triển nhân viên; xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ cao, gắn kết đội ngũ.
Từ khác biệt lớn nhất giữa lãnh đạo truyền thông và lãnh đạo 4.0 là tốc độ, phạm vi thay đổi và điều chỉnh nguyên tắc lãnh đạo, bà Tuyết cũng nhấn mạnh “lãnh đạo 4.0 cần nhận thức các thay đổi gia tăng tốc độ, thay đổi, dẫn dắt toàn bộ lực lượng lãnh đạo chủ chốt trong hành trình tìm kiếm, định dạng và triển khai viễn cảnh trong tương lai của doanh nghiệp”.