Thấy gì sau hiện tượng báo cáo tài chính liên tục thay đổi?
Nhiều doanh nghiệp bất động sản được "điểm tên"
Cái tên đầu tiên phải kể đến là CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA). Theo đó, lỗ ròng sau kiểm toán của ITA tăng thêm 82 tỷ đồng lên mức 258 tỷ đồng, do ITA ghi nhận giảm hơn 9 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, đồng thời tăng chi phí TNDN hoãn lại hơn 92 tỷ đồng.
Chưa kể, ITA còn bị kiểm toán điều chỉnh hồi tố làm giảm lợi nhuận trước và sau thuế năm 2021 về lần lượt -340 tỷ đồng và -404 tỷ đồng. Đặc biệt, kiểm toán còn nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến thuyết minh các khoản mục như nợ tiềm tàng, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, quyết định của Toà án và thông tin về hoạt động liên tục…
Thông tin sai lệch trên BCTC trước và sau kiểm toán ít nhiều ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư và niềm tin của cổ đông |
Tương tự CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC), lãi ròng sau kiểm toán giảm từ 150 tỷ đồng xuống chỉ còn 5 tỷ đồng. DBC được biết đến với hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi, song sự sụt giảm lợi nhuận của công ty lại đến từ việc thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Điều đó dẫn tới việc điều chỉnh giảm tới 75% doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ xây lắp trên BCTC của công ty mẹ.
Một đơn vị khác là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - HoSE: TDH) cũng ghi nhận lãi ròng năm 2022 sau kiểm toán sụt giảm 70% từ 30 tỷ đồng xuống 8 tỷ đồng. TDH cho biết nguyên nhân sụt giảm là do: Tăng các loại chi phí do tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, các khoản nợ phải thu quá hạn; điều chỉnh giảm thu nhập từ hoạt động thanh lý tài sản; tăng thuế TNDN hoãn lại do trích trước chi phí xây dựng.
CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) cũng ghi nhận lãi ròng giảm từ 6 tỷ xuống lỗ 73 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân là do phải trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi. Cái tên đáng chú ý khác phải điều chỉnh kết quả kinh doanh trên báo cáo tự lập là CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG). Theo đó, lỗ sau thuế của đơn vị này tăng gần gấp đôi từ 66,7 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 124,7 tỷ đồng (sau kiểm toán). Công ty cho biết nguyên nhân lỗ tăng là do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại công ty con và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với đơn vị này.
Điểm chung dễ nhận thấy của những doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán là hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đều thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng; hoặc lĩnh vực cốt lõi là sản xuất nhưng ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh từ các hoạt động liên quan tới bất động sản.
Xu hướng tất yếu cùng nhịp giảm của thị trường?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều diễn biến khó lường do các tác động từ thế giới, những sai lệch trên BCTC trước và sau kiểm toán ít nhiều sẽ ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư và niềm tin của các cổ đông. Tuy nhiên giới chuyên gia nhìn nhận, sự sai lệch trong BCTC do doanh nghiệp tự lập và sau kiểm toán là điều có thể hiểu được.
Nguyên nhân chủ yếu do sự khác biệt trong quan điểm giữa doanh nghiệp với các kiểm toán viên. Điều quan trọng ở đây là việc lý giải khác biệt đó được phía doanh nghiệp lập luận như thế nào để trấn an các cổ đông của mình. Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận sau kiểm toán tập trung nhiều ở các hoạt động thuộc lĩnh vực bất động sản, có thể thấy thị trường đang ghi nhận xu hướng điều chỉnh mặt bằng giá cả đối với các loại hàng hoá này.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết dường như còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn khi tới thời điểm hiện tại vẫn “khất” BCTC đã kiểm toán theo quy định. Đầu tháng 4/2023, HoSE đã có công văn nhắc nhở 24 doanh nghiệp chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Căn cứ Thông tư 96 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Công ty đại chúng phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.
Danh sách kể trên điểm qua nhiều cái tên lớn trong nhóm bất động sản, xây dựng như: CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; CTCP Đầu tư Hải Phát; Tập đoàn Novaland; CTCP Đầu tư LDG… Một số cái tên thuộc nhóm FLC Group chậm nộp BCTC kiểm toán như AMD, HAI, GAB. Đáng chú ý, 2 doanh nghiệp hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng nằm trong danh sách.
Trong các lý do được đưa ra, có không ít lý do liên quan tới vấn đề tài chính. Đơn cử là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã xin UBCK xem xét gia hạn nộp BCTC kiểm toán 2022, chậm nhất đến ngày 12/5. Tập đoàn cho biết loạt công trình trên cả nước của HBC gần đây ngưng trệ do thị trường bất động sản khó khăn. Điều này dẫn đến tình hình thu tiền tại các dự án của đơn vị này bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với kế hoạch. Trong bối cảnh đó, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành thủ tục, thu thập thêm chứng từ để hoàn thành báo cáo.
Một cái tên lớn khác là Novaland cũng xin gia hạn công bố BCTC kiểm toán 2022 với thời hạn dự kiến là ngày 15/4. Công ty đưa ra nguyên nhân do phải ổn định lại hoạt động kinh doanh, đồng thời đang từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Novaland đang trong thời gian gấp rút tái cơ cấu nợ trái phiếu với các trái chủ là cá nhân và tổ chức với nhiều phương thức khác nhau. Vì vậy đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục và thu thập, đánh giá thêm thông tin để hoàn thành báo cáo.
Trường hợp cá biệt nhận được cảnh báo của đơn vị kiểm toán sau khi điều chỉnh giảm lãi ròng là CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HoSE: HAG) với lãi ròng giảm 56 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Mặc dù lãi ròng của đơn vị này vẫn ghi nhận 1.125 tỷ đồng trong năm 2022, song kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng, và tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Ernst & Young (EY) nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL.