Thể chế tạo lực đẩy cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Đảm bảo nhanh, mạnh, thực chất Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Cung ứng giải pháp an toàn, hiệu quả nhất cho khách hàng |
Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG), tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong năm 2023 đã nâng lên mức 41%, từ 28% trong năm 2020. Sự tăng tốc mạnh mẽ cho thấy lĩnh vực tài chính – ngân hàng tiếp tục giữ vững vị thế đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế.
Động lực để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đến từ việc cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện thể chế, tích cực đổi mới các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu của thị trường. Thông tin được ghi nhận tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và fintech - dữ liệu cá nhân”, do IDG phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 26/5 tại TP.HCM.
Hệ sinh thái số đang tiếp tục hoàn thiện
Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tài chính - ngân hàng là ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam, thậm chí là hàng đầu của khu vực. Hiện nay ở Việt Nam có trên 30% dân số sử dụng App để giao dịch với ngân hàng, con số này chỉ đứng sau Trung Quốc là trên 41%. Ông Ngoạn nhấn mạnh, tốc độ chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng là rất ấn tượng.
Có được các thành tựu đó là do ngành Ngân hàng dựa vào 3 trụ cột quan trọng giúp cho chuyển đổi nhanh chóng. Đầu tiên là hạ tầng công nghệ viễn thông và rộng hơn là hạ tầng số được Chính phủ đầu tư và coi trọng. Thứ hai là khuôn khổ pháp luật, chính sách đã được quan tâm, cải thiện, đổi mới theo yêu cầu từ thực tiễn. Cuối cùng là nền tảng dữ liệu phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, một trong những nội dung mà ngân hàng Nhà nước hết sức quan tâm thời gian qua để thúc đẩy chuyển đổi số là công tác hoàn thiện thể chế. ngân hàng Nhà nước đã và đang sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này, và dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV; Thứ hai là Luật Phòng chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15 - PV) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2023; Thứ ba là dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, đang trong giai đoạn cuối cùng trình Chính phủ xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi ký ban hành.
Các diễn giả đánh giá ngành Ngân hàng đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số |
“Rất nhiều vấn đề mà Nghị định 101 chưa quy định, thì sẽ được Nghị định thay thế 101 bổ sung, sửa đổi, giúp cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có hành lang pháp lý thật tốt để thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tuấn khẳng định.
Một văn bản pháp lý quan trọng khác mà ngân hàng Nhà nước đang trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền là Nghị định ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox). Theo đó sẽ có 3 lĩnh vực được phép đăng ký thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, gồm P2P Lending; chia sẻ thông tin, trong đó phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân mà các văn bản luật và dưới luật có liên quan đã quy định; và dịch vụ chấm điểm tín dụng. Ông Tuấn nhấn mạnh, trước mắt với ba dịch vụ này sẽ tạo điều kiện cho việc kết hợp giữa các tổ chức tín dụng và các công ty fintech; giữa một bên nhiều kinh nghiệm, có uy tín kết hợp với một bên có tính linh hoạt, sáng tạo cao, để tạo ra hệ sinh thái số phát triển nhanh và bền vững.
Vấn đề khác mà ngân hàng Nhà nước tăng cường việc triển khai là hội nhập thanh toán xuyên biên giới, mà thời gian qua ngân hàng Nhà nước Việt Nam và NHTW Thái Lan đã ký kết triển khai thực hiện hệ thống thanh toán QR xuyên biên giới. Trong thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai với một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cần sự vào cuộc của nhiều bên
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc MSB nhận định, nếu nhìn vào tiến trình chuyển đổi số tại châu Á thì có thể thấy Việt Nam không phải quốc gia tụt hậu so với các nước trong khu vực dù tiến trình chuyển đổi số của châu Á rất mạnh mẽ so với các khu vực khác trên thế giới. Tại MSB, ông Khánh cho hay, ngân hàng đang triển khai thu thập và khai thác dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ trên hai trụ cột chính. Thứ nhất, tuân thủ tất cả các quy định pháp luật yêu cầu. Thứ hai, đảm bảo an toàn thông tin của dữ liệu, liên quan tới các vấn đề sinh trắc học, định danh cá nhân… Ông Khánh cam kết tính bảo mật luôn được MSB đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank bày tỏ hy vọng chuyển đổi số sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, với mục tiêu cụ thể là tỷ lệ giao dịch bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng từ mức 41% trong giai đoạn hiện nay lên 100% trong tương lai không xa. Ông Nam chia sẻ thêm, dư luận đang đề cập rất nhiều tới ngân hàng số, song hiện nay tất cả các ngân hàng chủ yếu dịch chuyển theo hướng số hoá các hoạt động nghiệp vụ truyền thống. HDBank bày tỏ mong muốn sớm có cơ chế và quy định rõ ràng liên quan tới sự thành lập và hoạt động của ngân hàng số.
Liên quan tới các quy định pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm, hiện nay có những quy định gây khó khăn nhưng lại nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành Ngân hàng. Điển hình là dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có quy định về chứng từ giao dịch phải được ký bằng chữ ký điện tử an toàn hoặc chữ ký số. Đối chiếu với định nghĩa chữ ký điện tử an toàn trong dự thảo luật, sẽ bao gồm cả smart OTP vốn đang được sử dụng rộng rãi trong giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên luật này còn có quy định khác là chữ ký điện tử an toàn phải được cấp phép bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy nếu quy định này có hiệu lực thì việc sử dụng smart OTP của các ngân hàng Thương mại sẽ phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Ông Tuấn cho biết, thời gian qua ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần góp ý về việc phải chia các chữ ký điện tử an toàn thành nhiều cấp độ, có cấp độ cần xin cấp phép, có cấp độ không cần thiết do các đơn vị tổ chức thực hiện là ngân hàng đã triển khai từ lâu nay và đều đảm bảo tính bảo mật, an toàn cao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Thanh toán kỳ vọng Chính phủ sớm ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 và Sandbox ngay trong năm 2023 để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, Bộ Công an xem xét để các tổ chức tín dụng có thể kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dựa trên các quy định cần thiết của pháp luật.