Thêm một kênh thanh toán biên mậu bằng QR
Thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR Đẩy nhanh kết nối thanh toán song phương qua mã QR |
Trong đó có bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc. Theo các ngân hàng thương mại, hiện nay hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng nhộn nhịp. Trong lĩnh vực thanh toán hiện có Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và một số quy định liên quan hỗ trợ thương nhân ủy thác cho các TCTD được phép hoạt động ngoại hối ở vùng biên thực hiện thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch buôn bán của người dân hai nước láng giềng.
Ngoài ra, hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay qua Trung Quốc vẫn đang thực hiện theo cơ chế thanh toán quốc tế SWIFT mà Việt Nam đã tham gia từ nhiều năm nay. Trong thời gian tới, việc có thêm mã QR sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân hai nước thanh toán thuận tiện và không phải tốn kém chi phí chênh lệch chuyển đổi giữa hai đồng tiền với một trung gian thanh toán quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc kỳ vọng, mã QR thanh toán sẽ góp phần thúc đẩy thương mại Việt - Trung phát triển mạnh mẽ khi các phương thức thanh toán ngày càng tiện lợi, an toàn, bảo mật hơn. Đơn cử các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn, nhưng thời gian qua khâu thanh toán chính thống vẫn còn nhiều trở ngại làm cho nhiều đơn vị sản xuất nhỏ còn ngần ngại giao thương.
Theo các tổ chức tài chính quốc tế, thị trường thanh toán QR châu Á được đánh giá đang phát triển mạnh mẽ nhất toàn cầu, trong đó Trung Quốc dẫn đầu về sử dụng công cụ thanh toán này. Theo số liệu thống kê của NHNN, Việt Nam có gần 49 TCTD phát triển mã QR thanh toán, trong đó tổ chức trung gian thanh toán VNPay cung cấp một tỷ trọng lớn các mã QR thanh toán cho các điểm bán hàng của doanh nghiệp.
Thanh toán bằng mã QR có ưu điểm là tiền về ngay tài khoản, không như thanh toán thẻ tín dụng quốc tế phải “đi vòng” qua hai đường truyền của Visa, Mastercard và một số hạ tầng thanh toán thẻ quốc tế khác. Đặc biệt, chi phí đầu tư hạ tầng chấp nhận thanh toán bằng mã QR hiện nay rất thấp, giúp tổ chức trung gian thanh toán dễ dàng hỗ trợ cho các đơn vị thương mại lắp đặt với chi phí hợp lý.
Việt Nam hiện đang áp dụng thống nhất một mã QR thanh toán liên ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Trước khi có biên bản ghi nhớ sử dụng mã QR thanh toán với Trung Quốc, NHNN Việt Nam đã ký kết hợp tác thanh toán bằng mã QR với Thái Lan, Campuchia và tới đây là Lào và Hàn Quốc. Theo đó, hoạt động thanh toán nhỏ lẻ sẽ không còn mất chi phí chuyển đổi ngoại tệ giữa hai đồng tiền của hai quốc gia trong giao thương. Thông qua NAPAS, Việt Nam đã có các ngân hàng cung cấp mã QR xuyên biên giới đối với thị trường Thái Lan như: BVBank, Nam A Bank, Sacombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, TPBank… Gần đây, có thêm Shinhan Bank Việt Nam cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR tại Thái Lan và Campuchia. Với dịch vụ thanh toán mã QR này, khách hàng đi du lịch hoặc công tác có thể quét mã QR từ ứng dụng ngân hàng số Shinhan SOL Việt Nam để thực hiện các giao dịch thanh toán tại hàng triệu điểm bán ở Thái Lan và Campuchia.
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, trong 7 tháng năm 2024 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch, tương ứng với 160 triệu tỷ đồng, trong đó, giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023). NHNN Việt Nam đánh giá, thanh toán không tiền mặt đã trở thành một phần tất yếu của xã hội hiện đại vì những tiện ích mang lại cho người tiêu dùng. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số phát triển.y