Thêm tín hiệu để Fed giữ nguyên lãi suất
Fed có thể không cần tăng thêm lãi suất Quan chức Fed: Lãi suất cao nên được duy trì đến khi lạm phát giảm bớt |
Báo cáo của Đại học Michigan cuối tuần trước cho thấy, chỉ số sơ bộ của về tâm lý người tiêu dùng đạt 63,0 trong tháng 10 so với 68,1 trong tháng 9. Đây là tháng thứ ba liên tiếp tâm lý người tiêu dùng giảm và tâm lý xấu đi ở hầu hết các nhóm nhân khẩu học.
Nguyên nhân có thể do lo ngại về lạm phát khi mà kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng của người tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Cụ thể chỉ số kỳ vọng lạm phát một năm của người tiêu dùng đã tăng lên 3,8% trong tháng này từ mức 3,2% trong tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2023. Triển vọng lạm phát trong 5 năm cũng đã tăng lên 3,0% từ mức 2,8% trong tháng trước, duy trì trong phạm vi hẹp 2,9% đến 3,1% trong 25/27 tháng qua.
Bên cạnh đó, tâm lý cũng có thể bị tổn thương bởi bạo lực ở dải Gaza. Ngoài ra còn do cuộc đình công trong ngành công nghiệp ô tô...
Đồng USD mạnh lên làm giảm giá hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ |
“Có rất nhiều lý do khiến tâm lý có thể giảm sút, do các sự kiện địa chính trị khác nhau và bức tranh vĩ mô rất không chắc chắn, nhưng những diễn biến trong tâm lý khá biến động”, Shannon Seery - nhà kinh tế học tại Wells Fargo ở Charlotte, Bắc Carolina cho biết. Tuy nhiên theo ông, “dự báo chi tiêu của chúng tôi là tiếp tục chậm lại chứ không phải sụp đổ”.
Trên thực tế cho đến nay chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn đang được thúc đẩy bởi mức lương cao hơn từ thị trường lao động thắt chặt, cộng thêm số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch COVID-19.
Thêm một tín hiệu tích cực nữa đối với cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Cụ thể một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cuối tuần trước cho thấy, giá nhập khẩu hầu như không tăng trong tháng 9 do đồng đôla mạnh làm giảm giá các sản phẩm phi dầu mỏ. Theo giới chuyên môn, điều này theo thời gian sẽ giúp giảm lạm phát trong nước.
Theo đó, giá nhập khẩu chỉ tăng 0,1% trong tháng 9 sau khi tăng 0,6% trong tháng 8. Trong khi trước đó các nhà kinh tế đã dự báo giá nhập khẩu sẽ tăng 0,5%. Đáng chú ý trong tháng 9 vừa qua, giá nhiên liệu nhập khẩu tăng 4,4%; trong khi giá thực phẩm nhập khẩu giảm 1,3%. Bởi vậy, nếu loại trừ xăng dầu, giá nhập khẩu giảm 0,3%. Còn nếu loại trừ cả nhiên liệu và thực phẩm, giá nhập khẩu cốt lõi giảm 0,1% sau khi giảm 0,3% trong tháng 8.
Còn xét trong 12 tháng tính đến tháng 9, giá nhập khẩu giảm 1,7% sau khi giảm 2,9% trong tháng 8. Giá nhập khẩu hàng năm hiện đã giảm trong 8 tháng liên tiếp. Trong khi giá nhập khẩu cốt lõi giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9, phản ánh sức mạnh của đồng đô la so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Mỹ.
“Đồng đô la Mỹ mạnh hơn nhờ lợi suất trái phiếu cao hơn đang mang lại một điều tốt, đó là giảm giá hàng nhập khẩu vào nước này và hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của Fed”, Christopher Rupkey - Nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York cho biết.
Hiện các quan chức Fed đang theo dõi chặt chẽ kỳ vọng lạm phát khi họ dự tính chính sách tiền tệ trong tương lai. Kể từ tháng 3 năm 2022, Fed đã tăng lãi suất qua đêm chuẩn thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25% đến 5,50% hiện tại.
Mặc dù giá sản xuất và giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức vừa phải. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tại Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,3% theo dự báo của các chuyên gia, song tốc độ tăng giá tiêu dùng hàng năm vẫn là 3,7%, tương đương như tháng trước.
Xu hướng đó, cùng với sự gia tăng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, dự kiến sẽ ngăn cản Fed tăng lãi suất vào tháng tới. Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cuối tuần trước cho biết, ông tin rằng Fed có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất trong bối cảnh áp lực giá đang suy yếu.
Hiện thị trường đang theo dõi sát bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Câu lạc bộ Kinh tế New York vào ngày 19/10, ngay trước giai đoạn "im lặng" của Fed trước cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra ngày 30/10 và 1/11.