Thi ca trong thời công nghệ số
Đi giữa hai dòng
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm "Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng" với sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Kim Hoa, nhà thơ Lữ Mai cùng đông đảo độc giả yêu thơ ca.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta ngày càng được công nghệ hỗ trợ, chính bản thân ông cũng thấy được sự tiện dụng của sách điện tử, bởi công nghệ cho phép độc giả tải và lưu trữ nhanh chóng bất kỳ tác phẩm thơ ca nổi tiếng nào. Là người đã sử dụng công nghệ để phục vụ công việc từ lâu, hiện trong chiếc điện thoại của nhà thơ Trần Đăng Khoa có tới hơn 170.000 cuốn sách điện tử. “Tôi thích đọc sách điện tử bởi nó nhẹ, nhanh, đọc thuận tiện, trong khi cầm cuốn sách giấy nó nặng quá”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết. Theo tác giả “Góc sân và khoảng trời”, sách truyền thống in tốn kém, đến tay độc giả rất vất vả, trong khi sách điện tử chỉ mấy giây đã đến tay người đọc. Tuy nhiên, ông khẳng định, sách giấy vẫn có chỗ đứng riêng, vẫn mang một giá trị đặc biệt mà không thể thay thế. Sách giấy là kho tàng lưu giữ giá trị tinh thần. Các nhà xuất bản vẫn in lại rất nhiều sách của ông, thậm chí cuốn “Góc sân và khoảng trời” đã tái bản lần thứ 161.
Còn nhà thơ Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ, chị tiếp cận với những bài thơ đầu tiên qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua sách, qua báo. Đó là những kênh thông tin hết sức “truyền thống” mà nhiều thế hệ đi trước đã quen thuộc, và chỉ qua những kênh đó, tri thức thế giới mới được mở rộng. “Còn hiện nay, thơ ca đến với độc giả bằng nhiều con đường khác nhau như: xuất bản sách, qua báo chí, các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhà thơ với độc giả... Đặc biệt, các bạn trẻ còn có thể đăng thơ, văn lên mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để tiếp cận độc giả nhiều hơn”, nhà thơ Trần Kim Hoa bày tỏ, đồng thời khẳng định, lối tiếp cận thơ ca truyền thống vẫn có giá trị nhất định. “Giữa 2 dòng nước truyền thống và hiện đại, truyền thống vẫn có sức mạnh, giúp chúng tôi tiếp cận đường dài, trong khi những công nghệ hiện đại khám phá một phần bản thân mình mà chúng tôi chưa có cơ hội được thử và trải nghiệm”, nhà thơ Trần Kim Hoa nói.
Trong khi đó, là nhà thơ thế hệ 8X, nhà thơ Lữ Mai cảm thấy may mắn so với các thế hệ các nhà văn, nhà thơ khác. “Khi tôi bắt đầu sáng tác đã có sự kết nối về công nghệ. Tôi không còn sự tự ti vì giờ đây đã có nhiều phương thức khác nhau để phổ biến tác phẩm của mình đến với độc giả”, Lữ Mai chia sẻ.
Từ trái qua: Nhà thơ Trần Kim Hoa, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lữ Mai |
Trí tuệ nhân tạo không thể vượt qua nhà thơ?
Tại buổi chia sẻ, các nhà thơ cũng chia sẻ quan điểm của mình về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tác thơ ca. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng trí tuệ nhân tạo vô cùng kỳ diệu, có thể viết văn “rất giỏi”, nhưng chưa thể viết được thơ hay. “Nhà văn phải cạnh tranh gay gắt với AI, còn nhà thơ chưa phải cạnh tranh nhiều vì AI chưa làm được thơ, có thể nói AI viết thơ rất dở”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Tuy nhiên, bước vào thời của AI “lên ngôi”, các nhà văn, nhà thơ không nên chủ quan, lơ là. Theo ông Khoa, các nhà văn bây giờ phải trăn trở nhiều hơn với những sáng tạo của mình, để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước được, không thể với tới được. Chỉ có như thế, con người mới giữ được vai trò kiểm soát và điều khiển máy móc, nếu không thì sẽ bị trí tuệ nhân tạo lấn lướt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa dẫn ví dụ cá nhân: ông đã lấy cốt truyện, miêu tả nhân vật của một nhà văn viết truyện thiếu nhi để yêu cầu AI viết một tác phẩm mới. Và chỉ vài giây sau, AI đã trả về một tác phẩm có cốt truyện, nhân vật gần giống tác phẩm gốc nhưng hay hơn rất nhiều. “Tôi đã lấy phần AI viết đưa cho nhà văn có tác phẩm gốc và nói đây là văn robot viết, giờ ông viết thua cả robot thì không nên in. Nhà văn nghe tôi và bỏ cuốn sách đó", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể. Cũng thao tác này nếu “sai AI” làm thơ, kết quả mang lại không mấy khả quan. “Nhà văn phải cạnh tranh gay gắt với AI, còn nhà thơ chưa phải cạnh tranh nhiều vì AI chưa làm được thơ, có thể nói AI viết thơ rất dở”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Nhà thơ Trần Kim Hoa cũng cho rằng, có nhiều con đường để thơ ca đến với độc giả. Những con đường “truyền thống” như xuất bản sách, xuất bản trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thì đã quen thuộc với mọi người. Có con đường trực tiếp thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc đọc thơ trực tiếp cho độc giả nghe thì cũng không còn mới mẻ. “Thời nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận thơ ca qua mạng xã hội, sách điện tử, sách nói…”, nhà thơ Trần Kim Hoa nói. “Với sự ra đời và tiếp cận thơ ca nói riêng, văn chương nói chung của AI, chúng ta phải đồng hành cùng với nó. Trí tuệ nhân tạo có công lớn để sáng tạo tác phẩm trong thời đại mới, tuy nhiên, các tác giả không nên lạm dụng AI. AI chỉ nên là công cụ hỗ trợ tác giả trong việc tổng hợp kiến thức”, nhà thơ Trần Kim Hoa chia sẻ, đồng thời khẳng định: “Nếu con người cứ mờ nhạt, để những sáng tạo văn chương na ná nhau, không có dấu ấn cá nhân đặc biệt, chắc chắn các tác phẩm đó sẽ không có giá trị trước những sự thông minh, siêu phàm của AI”.
Nhà thơ Lữ Mai thì nhấn mạnh, AI là một công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình sáng tác và nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, AI không bao giờ thay thế được sự sáng tạo độc nhất của con người. Việc dùng AI để sáng tác một tác phẩm mới rồi tác giả ký tên cũng bị coi là "ăn cắp trí tuệ nhân tạo". Hơn nữa, nếu tất cả chúng ta đều sử dụng cùng một câu trả lời sẵn có của AI, các tác phẩm văn học sẽ trở nên rập khuôn, thiếu đi sự đa dạng và phong phú. Vì vậy, người sáng tạo nghệ thuật nên khai thác AI như một công cụ hỗ trợ, tạo cảm hứng để mỗi người có thể tự phát triển những ý tưởng độc đáo của mình. “Để khai thác hiệu quả công nghệ AI phục vụ cho sáng tác của mình, chúng ta cần biết cách đặt câu hỏi thông minh và có tư duy phản biện”, Lữ Mai nói.