Thị trường bảo hiểm sức khỏe: Triển vọng tích cực
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các hoạt động kinh tế, xã hội và sức khoẻ khiến người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách y tế, bảo hiểm và nhân thọ trong nỗ lực bảo vệ bản thân và gia đình của họ.
Minh chứng là theo kết quả cuộc khảo sát với gần 1.000 người từ YouGov, 26% số người được khảo sát cho biết họ đã tăng tần suất mua sản phẩm bảo hiểm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư so với trước đây.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong hai tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt khoảng 33.136 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 11.248 tỷ đồng, tăng 15,3%; bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 21.888 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong bảo hiểm phi nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt (tăng 15,3%) và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất (30,4%), các nghiệp vụ khác đều tăng trưởng ở các mức độ khác nhau.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chỉ ra nhiều triển vọng tích cực đối với thị trường bảo hiểm sức khoẻ trong thời gian tới. Cụ thể, nhận thức cùng hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe và quản lý rủi ro tài chính sẽ ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời giúp nhiều công nghệ tân tiến được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm, điển hình như: chất lượng dịch vụ, kênh phân phối bảo hiểm, khả năng tương tác, tiếp cận tới khách hàng cũng như các phương thức dịch vụ, quảng cáo mới. Đơn cử như vào năm 2021, doanh thu từ kênh phân phối trực tuyến tăng mạnh nhất với 69,2%, trong khi kênh phân phối qua ngân hàng cũng chỉ ghi nhận doanh thu tăng trưởng khoảng 66,7% và kênh đại lý bảo hiểm chững lại ở mức 46,7%. Điều này cho thấy, cùng với việc bước sang kỷ nguyên công nghệ, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao tính thuận tiện trong dịch vụ và tiếp cận tới nhiều tập khách hàng hơn.
Mặt khác, triển vọng nền kinh tế - xã hội phục hồi khi bước vào giai đoạn “bình thường mới” được dự đoán sẽ mang tới nhiều tiềm năng phát triển cho ngành bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm sức khỏe. Bởi lẽ, bảo hiểm là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi và khả năng mở rộng kênh phân phối nhanh nhất, sự phục hồi của nền kinh tế - xã hội là cơ hội lớn giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra những tồn tại khiến thị trường này chưa thật sự phát triển xứng với tiềm năng. Đơn cử như tình trạng trục lợi trong bảo hiểm sức khỏe vẫn còn tồn tại. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, trục lợi trong nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe chiếm tới 80% - 90% tổng số vụ trục lợi toàn thị trường, tiêu tốn hàng tỷ đồng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đa phần những vụ trục lợi khách hàng đều bắt nguồn từ việc doanh nghiệp bảo hiểm không suy xét cẩn thận khi ký hợp đồng với các bệnh viện, cơ sở y tế hay các đại lý bán lẻ bảo hiểm, ảnh hưởng tới việc giải quyết các khiếu nại và bồi thường cho khách hàng. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhân viên, đại lý bảo hiểm còn yếu kém, khả năng đánh giá rủi ro của doanh nghiệp chưa hiệu quả. Nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật cũng như trong khâu quản lý kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều rủi ro không đáng có, từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng lẫn doanh thu. Thực tế, thị trường bảo hiểm sức khỏe đang có sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng cùng với đó nhiều rủi ro mới xuất hiện.
Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam, sự gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường cũng là một thách thức với doanh nghiệp bảo hiểm. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nhiều công nghệ mới, giúp họ thuận lợi trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt hơn đến khách hàng cũng như dễ dàng sở hữu dữ liệu toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm thời gian và chi phí. Cộng thêm tác động của dịch bệnh dẫn đến việc chênh lệch giữa các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng được thu hẹp lại, từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình. Ngoài ra, nhiều quy định pháp lý mơ hồ, chưa đáp ứng tốc độ tăng trưởng của thị trường. Hiện Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành.
Các chuyên gia cho rằng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhằm đảm bảo thông tin được minh bạch và đầy đủ cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm sức khỏe tới người dân luôn đạt yêu cầu.
Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao công tác quản trị rủi ro và bồi thường bằng cách nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro ở mức tối đa.